Một dải Cao nguyên đá, với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, những rừng đá lởm chởm, sắc lạnh, những đỉnh núi cao quanh năm mây ấp. Chính nơi đó, lại được thiên nhiên ban phát cho những sắc hoa không nơi nào sánh bằng. Hoa đào phớt hồng bên hoa mận trắng tinh khôi. Hoa cải vàng như nắng, hoa củ cải trắng như sương. Hoa dong riềng vàng, hoa lê sáng ngần. Cả những triền hoa dại bạc hà mọc ven chân núi vắng. Tha thẩn bên hoa, bạn sẽ nghe rù rì cánh ong mật. Tam giác mạch phơi những thảm hoa trắng hồng dưới nắng. Chỉ một thoáng lát, nắng nhuộm sắc hoa đậm dần. Tôi yêu cả những cây hoa mào gà khổng lồ, ngạo nghễ thách thức cùng giá buốt.
Nhưng có lẽ đẹp nhất, với tôi vẫn là màu hoa mận, hoa lê trắng. Hoa nở bên những cánh cổng gỗ của tường rào đá. Những mảnh đá đen sắc, kết bện cùng nhau, mềm mại uốn lượn quanh ngôi nhà trình tường. Chúng đan cài với nhau bằng cái nhìn kinh nghiệm và bàn tay thô ráp, rắn chắc của người Mông. Không có vật liệu nào khác. Tình yêu của đồng bào đã làm nên thứ keo kết dính vô hình. Nó là nét văn hóa ngàn đời nơi cực Bắc. Đá xếp bên nhau, tôn cao nhau, nối vòng tay rộng ôm nhà, ôm người miền núi. Màu thâm trầm, bền bỉ nổi lên ánh vàng sậm của đất trình tường. Tươi mới và cổ kính. Và, hơn hết, trên đá là màu trắng tinh khôi của hoa mận. Sự trễ nải của lá xanh vì giá rét càng tô bật từng cánh hoa, chùm hoa và một bầu trời hoa. Đâu đó, bên mái ngói nâu xỉn, một gốc lê cũng đã trổ bông trắng.
Trắng mươn mướt trên thân cành già mốc meo. Màu trắng vươn qua rào đá, vươn qua mái ngói nâu sậm, thi gan cùng sương tuyết. Bên gốc cây, vài đứa trẻ chơi nghịch. Chân trần đọ cùng đá sắc. Hai bầu má hồng thơm trái đào chín. Đôi mắt trong veo tựa sương mai. Các bé là hoa của đá. Chẳng có khắc nghiệt nào đọng được vào những đôi mắt non tơ ấy.
Phía xa hơn chút, bên thung lũng nắng, một vạt cải hoa vàng. Liền kề, một nương củ cải quá lứa, đã trổ hoa trắng khiêm nhường, dịu dàng. Những củ cải trồi lên khỏi mặt đất, khoe lớp vỏ xanh. Có củ cải nặng hàng cân, chủ yếu để nuôi gia súc. Đất trở thành người họa sĩ phối màu tài tình. Đất ẩm hơi sương.
Bây giờ là mùa gieo trồng vụ mới. Những người phụ nữ Mông đã ra nương. Vừa đi vừa ăn sáng. Họ mặc đẹp như đi chợ. Váy áo và khăn đội đầu nhiều màu sặc sỡ. Màu chỉ thêu và họa tiết trên khăn còn thể hiện cá tính của phụ nữ Mông. Vừa dịu dàng, vừa nóng bỏng. Mấy chị cuốc đất, xới cỏ. Vài em gái tra hạt, gieo mùa Xuân. Trẻ con lại quấn quýt bên chân. Chúng lăn lê bò nghịch trên đất. Mùa gieo hạt cũng là ngày hội. Cả lũ chó nhỏ cũng bỏ bản ra nương. Lưng triền núi đá, thấp thoáng những trai Mông cày nương. Nếu không có màu vàng của những chú bò, thật khó nhận ra chủ nhân của nó. Màu áo nam giới Mông hòa cùng màu đá.
Những đoàn phượt, xe phân khối lớn nối nhau chảy ngược phía Đồng Văn, Mèo Vạc làm lòng người thêm náo nức. Người ta đua nhau đi chụp hoa. Mùa Đông càng lạnh giá, thì sang Xuân hoa càng thắm sắc. Hình như người vùng cao không có thói quen mang hoa vào nhà, hoa tự do nở trên nương núi. Hoa gội sương, tắm gió trời. Hoa như những cô gái Mông, Dao, Lô Lô, Giáy… đẹp hồn nhiên, trong trẻo.
Nếu bạn có muốn ngắm vẻ đẹp của các thiếu nữ, hãy đến các phiên chợ Đồng Văn, Phố Bảng, Mèo Vạc, hay phiên Chợ tình, năm chỉ có một lần ở Khau Vai. Các cô gái đi chợ chỉ để gặp bạn. Họ nói chuyện thầm kín với nhau. Họ chia sẻ tình cảm riêng tư hay đơn giản chỉ để khoe chiếc váy mới vừa làm xong. Khoe chiếc khăn đội đầu. Khoe chiếc dây lưng nhiều màu, chùm xà tích bằng bạc mới sắm. Vẻ đẹp ấy làm mê hoặc du khách.
Trên đường ra Ma Lé, Lũng Cú hay Phố Bảng của Đồng Văn, tôi bàng hoàng khi gặp hoa dong riềng. Cả một triền hoa đỏ tươi hoặc vàng rực. Lại có những đám hoa điểm xuyến chấm đỏ vàng xen nhau. Màu xanh của lá đã bị khuất lấp. Không phải thiên nhiên mà chính là đồng bào đã phết lên đồi núi những sắc màu ấm nóng. Màu đặc trưng của miền cao biên giới phía Bắc. Tôi liên tưởng đến màu cờ đỏ, sao vàng trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Tôi nghĩ đến những chiến sĩ Biên phòng đang vững vàng nơi cực Bắc, thầm lặng bám dân, giữ đất, bảo đảm an toàn lãnh thổ, cảnh giác với những hiểm họa từ dịch bệnh, hay hàng hóa vượt biên trái phép.
Đã nhiều lần dưới bóng cờ Lũng Cú, lần nào tôi cũng đặt tay lên ngực mình, nghe thiêng liêng tiếng sông núi quê hương. Tôi nhớ một câu thơ: “Tổ quốc cao lên từ Lũng Cú”./.