Người dân bị dụ dỗ, lôi kéo
Không phải nơi nhóm đối tượng tấn công khủng bố chính quyền, nhưng xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk lại là nơi có đối tượng tham gia vụ việc xảy ra rạng sáng 11/6 đông nhất.
Trong số 90 đối tượng tham gia vụ khủng bố tấn công trụ sở UBND xã ở Cư Kuin, thì Cư Pơng có đến 31 đối tượng. Trong đó, không ít đối tượng là những nông dân bị rơi vào thủ đoạn lôi kéo, kích động của các thế lực mà gây nên tội ác.
Chúng tôi tìm về xã Cư Pơng sau hơn 1 tháng xảy ra vụ khủng bố, dù cuộc sống bình yên, người dân đã trở lại với công việc hàng ngày lên nương, rẫy lao động sản xuất. Tuy nhiên, trong những nóc nhà của đồng bào, phảng phất không khí đượm buồn, bởi người dân Cư Pơng không ngờ rằng, bà con của mình lại có nhiều người tham gia vụ việc khủng bố đến thế.
Trải lòng với chúng tôi, ông Y Tum Ayun (SN 1956), Người có uy tín buôn Adrơng Ea Tuk bảo: Cư Pơng là xã Anh hùng, người dân từ trước đến nay yên ổn làm ăn, vụ việc xảy ra quá bất ngờ, không ai dám nghĩ người dân Cư Pơng lại tham gia vụ việc chấn động như thế. So với trước đây, cuộc sống người dân hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Bây giờ đường sá đi lại thuận lợi, trường học, trạm xá đầy đủ, điện quốc gia về đến từng nhà, nước sạch về tận buôn, sản xuất thuận lợi. Vậy mà, có những người lại tham gia làm những việc sai trái như vậy!
" Thời gian gần đây, mình đã tham gia nhiều buổi tuyên truyền, phát động quần chúng của các ngành, các cấp, mình đứng lên nói chuyện, so sánh phân tích cho bà con thấy trước đây khổ thế nào, giờ đời sống đã ổn định bà con tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, không để kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo", ông Y Tum Ayun thông tin thêm.
Thông tin về vùng đất Cư Pơng, Bí thư Đảng ủy xã Cơ Pơng Y Nhất Mlô cho biết, Cư Pơng có hơn 70% đồng bào DTTS, chủ yếu người Ê Đê và Gia Rai. Những năm kháng chiến, đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng theo cách mạng, cống hiến sức người, sức của cho khánh chiến. Năm 1994, Cơ Pơng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đất nước thống nhất, chính quyền và Nhân dân xã Cư Pơng tập trung phát triển kinh tế. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nay Cư Pơng là xã khu vực II, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,99%, chủ yếu hộ nghèo đồng bào DTTS. Tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn ổn định, tư tưởng chính trị của người dân vững vàng.
“Ngay cả vụ việc bạo loạn năm 2004, hầu hết các địa phương đều có đối tượng tham gia, riêng Cư Pơng không có. Vụ việc ở Cư Kuin lần này, có nhóm công dân Cư Pơng tham gia không chỉ làm chính quyền và Nhân dân địa phương đều hết sức bất ngờ. Nhóm đối tượng tham gia vụ việc đa số có hoàn cảnh khó khăn, xuất phát từ trình độ dân trí thấp nên bị lôi kéo”, Bí thư Đảng ủy xã Cơ Pơng Y Nhất Mlô cho biết thêm.
Theo báo cáo, trong số 90 đối tượng gây ra vụ việc khủng bố tại huyện Cư Kuin, trên địa bàn huyện Krông Búk có 43 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng cốt cán, còn lại là đối tượng bị dụ dỗi, lôi kéo, thậm chí bị ép tham gia. Đa số các đối tượng ở lứa tuổi trẻ, kinh tế khó khăn, nhận thức còn mơ hồ, hạn chế.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Đồng thời, kêu gọi người dân không nghe theo lời xúi giục của các phần tử xấu, tích cực phối hợp tham gia và hỗ trợ lực lượng chức năng truy quét, vận động đối tượng ra đầu thú.
Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Krông Búk đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức 34 buổi tuyên truyền tại các xã trên địa bàn với hơn 6.591 lượt người tham gia. Sau vụ việc xảy ra ngày 11/6 tại Cư Kuin, Công an huyện đã triển khai lực lượng, cùng toàn hệ thống chính trị cơ sở tổ chức thăm gặp 166 lượt già làng, Người có uy tín; tổ chức vận động cá biệt 451 lượt đối tượng.
Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết: Hiện nay, lực lượng đã thành lập các tổ phát động quần chúng cùng các địa phương tập trung tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như, qua các buổi phát động, qua mạng xã hội, phát tờ rơi, phát thanh, sinh hoạt đoàn thể ở địa phương… để quần chúng Nhân dân nhận thức đúng, đề cao cảnh giác, không ghe theo đối tượng xấu, không để bị lợi dụng thực hiện hành vi chống phá chính quyền; thông qua Người có uy tín, ban tự quản thôn, buôn để lan tỏa thông tin đến người dân; thường xuyên cổ vũ, biểu dương, nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt” trong cộng đồng dân cư.
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, Công an huyện cũng tham mưu UBND huyện thành lập các đoàn công tác, kiểm tra lại một số chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS để có giải pháp ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS. Phát động, tổ chức thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đạt kết quả rất tốt. Bà con đã nhận thức được vấn đề, tự nguyện giao nộp vũ khí.
Mặc dù, vụ việc xảy ra bất ngờ khiến nhiều người dân bị sốc, nhưng nhìn chung đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đoàn kết cùng chính quyền chống lại âm mưu của các thế lực thù địch.