Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Nhìn lại để tự tin đi tới

PV - 10:57, 03/01/2019

Năm 2018 đã khép lại với những dấu ấn vượt khó để gặt hái nhiều thành quả trong tất cả mọi lĩnh vực. Trong đó, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi.

Giảm nghèo ấn tượng

Đến thời điểm này, các địa phương cơ bản đã hoàn thành công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018 gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp; một số địa phương thuộc khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS đã công bố kết quả. Sơ bộ cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những địa phương này tiếp tục giảm nhanh và bền vững.

Trong năm 2018, các địa phương đã tích cực kết nối để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp. Trong năm 2018, các địa phương đã tích cực kết nối để hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp.

Theo tổng hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, năm 2018, toàn tỉnh có 14.391 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,34%, giảm 2,02% so với năm 2017. Trong đó, những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.

Như huyện Bác Ái (95% dân số là đồng bào dân tộc Raglay), cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 46,37%; đến hết năm 2018 giảm xuống còn 40,31% (giảm hơn 6%). Hay huyện Ninh Sơn (gần 22% tổng số hộ là đồng bào Raglay, Cơ-ho), so với năm 2017 thì hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm gần 5% (từ 19,76% năm 2017 xuống còn 14,97% cuối năm 2018).

Còn tại Quảng Nam, tính đến ngày 12/12/2018, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 7,74%, giảm 1,54% so với cuối năm 2017. Kết quả này vượt mục tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Nam tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg, ngày 23/11/2017 (giảm 1,5%).

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, năm 2018, toàn tỉnh có 4.019 hộ/20.793 khẩu nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững. Các huyện miền núi (Phước Sơn, Nam Trà My, Quế Sơn,…) là những địa phương có số hộ đăng ký thoát nghèo bền vững nhiều nhất. Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, hết năm 2018, các hộ đăng ký đều được thoát nghèo.

Khởi sắc nông thôn mới

Cùng với giảm nghèo ấn tượng thì Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2018 cũng đạt được những kết quả khả quan. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, mục tiêu năm 2018, cả nước có khoảng 39% số xã (khoảng 3.500 xã) được công nhận đạt chuẩn NTM; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tính đến hết tháng 9/2018, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) “về đích” NTM, tăng thêm 473 xã so với cuối tháng 12/2017; có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, tăng thêm 12 huyện so với cuối tháng 12/2017. Như vậy, so với mục tiêu đề ra, Chương trình xây dựng NTM đã hoàn thành mục tiêu năm 2018 trước 3 tháng so với kế hoạch. Đối với vùng DTTS và miền núi, đến hết tháng 8/2018, đã có 1.052 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 22,29%.

Trong năm 2018, nhiều đơn vị cấp huyện thuộc khu vực miền núi đã có những nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong xây dựng NTM. Như Việt Yên (Bắc Giang), ngày 8/11 vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2018. Hay huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), hiện địa phương này cũng đã cơ bản đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bước đệm về đích

Thành quả trong giảm nghèo và xây dựng NTM trong năm 2018 ở các địa phương vùng DTTS và miền núi phần lớn là nhờ nguồn lực từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Trong năm qua, hàng nghìn tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn vùng DTTS và miền núi.

Với các chương trình, chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý, triển khai thực hiện (15 chương trình, chính sách), năm 2018, tổng vốn để thực hiện theo kế hoạch là 7.139 tỷ đồng. Nguồn lực này đã góp phần quan trọng giúp các địa phương giảm nghèo nhanh, đồng thời góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng chủ động bố trí kinh phí để triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù. Như tỉnh Quảng Nam đã có nghị quyết về chính sách khuyến khích thoát nghèo của tỉnh giai đoạn 2017-2021, với tổng kinh phí 623 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn, xã, huyện thoát nghèo vùng miền núi, với tổng kinh phí gần 127 tỷ đồng. Tỉnh Phú Yên dự kiến bố trí mỗi năm gần 7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho Chương trình giảm nghèo bền vững…

Những thành quả trong giảm nghèo và xây dựng NTM trong năm 2018 là bước đệm cần thiết để các địa phương vùng DTTS và miền núi vượt qua những khó khăn phía trước, hoàn thành mục tiêu các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong đó quan trọng nhất là hoàn thành mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2018, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy phát triển vùng DTTS và miền núi. Đáng chú ý là các hoạt động: Diễn đàn phát triển dân tộc thiếu số năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh-tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số” (tháng 8/2018); Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 (tháng 11/2018); Lễ tôn vinh Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS khu vực biên giới lần thứ nhất, năm 2018 (tháng 12/2018);…

SỸ HÀO