Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022: Thất vọng nối tiếp thất vọng

Văn Hoa - Hồng Minh - 19:29, 28/07/2022

Là một trong khoảng 20 cuộc thi hoa hậu của Việt Nam trong nửa năm 2022, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 được độc giả kì vọng sẽ có những điểm nhấn độc đáo, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, dấu ấn văn hóa các dân tộc ở cuộc thi này vô cùng mờ nhạt, thậm chí, cuộc thi còn để lại không ít sự thất vọng, sự bức xúc với cộng đồng các DTTS.

Các bộ trang phục dân tộc được trình diễn tại cuộc thi
Các bộ trang phục dân tộc được trình diễn tại cuộc thi

Xâm hại bản sắc văn hóa dân tộc

Khi nghe đến tên gọi cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, nhiều khán giả mong chờ, sẽ được trải nghiệm sự đa dạng trong văn hóa các DTTS. Mỗi thí sinh sẽ là những người đẹp, đẹp cả hình thể lẫn trí tuệ,  am hiểu về bản sắc văn hóa, là những người ưu việt, là sứ giả văn hóa đại diện cho dân tộc tham gia cuộc thi. Thế nhưng, khi theo dõi cả hành trình mà các thí sinh trải qua, nhiều thí sinh thể hiện sự hiểu biết về văn hóa của chính dân tộc mình rất hạn chế, thậm chí, nhiều cộng đồng dân tộc còn cảm thấy "hoảng sợ" về nhận thức văn hóa của thí sinh.

Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển phản ánh trong bài viết “Những “hạt sạn lớn” trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022: Phải chăng Ban tổ chức đã cố tình xúc phạm bản sắc văn hóa dân tộc?” và bài viết "Chuyện chiếc váy Thái tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022" cộng đồng các dân tộc, trong đó có cộng đồng người Thái đã thể hiện rõ sự thất vọng với Ban tổ chức cuộc thi và lo lắng, chương trình đã được công chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, các phương tiện truyền thông, sự hiểu nhầm về văn hóa dân tộc Thái (trang phục) là chắc chắn, rất cần lời giải thích của thí sinh và Ban tổ chức.

Tên nhà thiết kế các bộ trang phục dân tộc được giới thiệu tại cuộc thi
Tên nhà thiết kế các bộ trang phục dân tộc được giới thiệu tại cuộc thi

 Lỗ hổng kiến thức trong NTK thời trang?

Khi theo dõi phần trình diễn mang chủ đề “Bản sắc Việt Nam” trong đêm Chung kết, nhiều người đã trầm trồ, bởi theo giới thiệu của Ban tổ chức, 30 bộ trang phục các dân tộc do nhà thiết kế (NTK) Đặng Việt Tùng thiết thế. Thế nhưng với những gì đã diễn ra khiến cho khán giả, đặc biệt là khán giả hiểu và yêu văn hóa dân tộc thực sự thất vọng.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các yếu tố văn hóa của các DTTS, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án là “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ biến dạng văn hóa cao…

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, các DTTS đã nỗ lực gìn giữ văn hóa của chính mình, trong đó có trang phục. Trang phục các DTTS vốn đã rất đẹp, cần được bảo tồn, vậy tại sao trong cuộc thi, các thí sinh lại không mặc bộ trang phục truyền thống của chính dân tộc mình mà lại mặc bộ trang phục của Ban tổ chức và do một NTK thiết kế ?

Và hậu quả là, đại đa số trang phục các thí sinh mặc đều không giống nguyên bản trang phục truyền thống các dân tộc, đã có những sự cách tân đến lố lăng, tai hại, phạm phải những điều “cấm kị” trong văn hóa các DTTS. Phải chăng, đây là “sự biến dạng văn hóa”? Đây là sự cố tình xem nhẹ bản sắc văn hóa dân tộc hay là sự thiếu kiến thức văn hóa dân tộc của NTK thời trang?

Nguy hiểm hơn, cuộc thi đã được truyền thông rất rầm rộ, được phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia, được báo giới trong và người nước quan tâm. Và kết quả là, người xem đã được "mãn nhãn" với những bộ trang phục cách tân đến nguy hại đó.


Á hậu 2 Thạch Thu Thảo đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2022
Á hậu 2 Thạch Thu Thảo đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2022

Ban tổ chức tự ném đá vào mình

Ngay từ ngày đầu tiên khởi động Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, Ban Tổ chức đã công bố tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022, sẽ đại diện cho quốc gia tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất – Miss Earth 2022. Thế nhưng, sau đăng quang, điều đương nhiên đó tưởng chừng bình thường nhưng nó lại có sự bất thường.

Cụ thể, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thúy Hằng, dân tộc Tày, đến từ Hà Giang không phải là đại diện Việt Nam dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất – Miss Earth 2022 mà cơ hội đó lại dành cho Á hậu 2 Thạch Thu Thảo.

Tại sao vậy? Điều này được Ban Tổ chức giải thích rằng, ngay từ đầu, Ban Tổ chức đã hé lộ một trong 3 người đẹp của top 3 sẽ dự thi Miss Earth 2022, chứ không nhất thiết là hoa hậu. Ngoài ra, theo Ban Tổ chức “Á hậu 2 Thạch Thu Thảo đáp ứng được nhiều tiêu chí như bản sắc, tài năng, catwalk, tập luyện rất chăm chỉ. Múa đẹp trong bộ đồ Khmer, bà Phó Chủ tịch Miss Earth rất thích. Nét đẹp bản sắc rất quan trọng trong cuộc thi và ra thế giới”.

Với lời giải thích trên của Ban Tổ chức, tưởng chừng là khá thuyết phục. Tuy nhiên, lại dấy lên làn sóng dư luận, tại sao một người đẹp tài năng như thế không chọn làm Hoa hậu ngay từ đầu, mà lại để sau khi hậu đăng quang Ban Tổ chức mới đưa ra kết luận như thế. Thiết nghĩ, lẽ nào Hoa hậu Nông Thúy Hằng lại không xứng đáng bằng Á hậu 2 Thạch Thu Thảo? Và như thế, khác nào chính Ban Tổ chức lại đang tự ném đá vào mình?

Có thể nói, việc thay đổi lựa chọn đại diện cho quốc gia tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất – Miss Earth 2022 của Ban tổ chức gây ra nhiều tranh cãi. Từ sự tự hào đến sự hụt hẫng của cộng đồng người Tày.

Nhìn lại cả hành trình cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, đã có quá nhiều những “hạt sạn lớn đến nguy hại”. Ngỡ rằng, cuộc thi sẽ là niềm tự hào cho cộng đồng DTTS Việt Nam, khi tại đó văn hóa dân tộc được tôn vinh, được quảng bá… Thế nhưng, thất vọng nối tiếp thất vọng…


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.