Cách đây hơn 24 năm (năm 1998), lần đầu tiên Báo Tiền Phong tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các nữ đoàn viên thanh niên, để các bạn gái được thể hiện “cái tôi” và vẻ đẹp toàn diện về hình thể, trí tuệ và tâm hồn trước mọi người. Tại mùa giải đầu tiên, Hoa hậu Bùi Bích Phương đã đăng quang trong niềm vinh dự, tự hào và sự ngưỡng mộ, hài lòng của hàng triệu người hâm mộ trong cả nước.
Việc làm táo bạo và sáng tạo của Báo Tiền Phong đã khởi đầu một cuộc thi nhan sắc mang tầm quốc gia đầu tiên. Sau đó, cứ hai năm một lần, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức lại được diễn ra thường niên. Nhiều người đẹp đăng quang ngôi vị cao nhất đã làm tốt sứ mệnh của Hoa hậu, có những đóng góp hữu ích, có ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội trong hai năm “nhiệm kỳ”.
Tuy nhiên, trên 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam không chỉ có một cuộc thi Hoa hậu của Báo Tiền Phong mà đã xuất hiện thêm hàng chục tới vài chục cuộc thi sắc đẹp ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực; quy mô từ khu vực, quốc gia đến quốc tế. Nào là Hoa hậu Việt Nam; Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam; Hoa hậu Hòa bình thế giới; Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Miss Fitness Vietnam...
Riêng trong năm 2022, hàng chục cuộc thi sắc đẹp được tổ chức quy mô toàn quốc lẫn địa phương. Khán giả thậm chí không nhớ nổi tên của người giành vương miện. Một chuyên trang nhan sắc trong nước thu thập, tổng kết và đưa ra con số khoảng 50 cuộc thi lớn, nhỏ diễn ra trong năm 2022.
Trong tháng 7 này, 3 cuộc thi sắc đẹp gồm Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam đã đi vào vòng chung kết.
Tiếp đó, trong tháng 9, 10 và 11, lần lượt các cuộc thi Miss Peace Vietnam, Miss Grand Vietnam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Siêu Quốc gia Việt Nam.. sẽ chung khảo và xếp hạng.
Điều đáng nói, một cô gái có thể dự thi nhiều cuộc thi nhan sắc cùng lúc. Nhiều thí sinh sau khi trở thành hoa hậu, á hậu tại các cuộc thi đều sử dụng danh hiệu để hoạt động giải trí. Tình trạng này khiến khán giả đặt ra câu hỏi: "Phải chăng Việt Nam đang loạn các cuộc thi hoa hậu".
Khi có quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp diễn ra trong một đất nước thì chất lượng danh hiệu Hoa hậu không còn là “vàng ròng”, là “kim cương” như trước kia nữa. Nhiều cuộc thi quy mô quốc gia hay khu vực đều dính scandal với những lùm xùm về mua bán giải, mua bán giấy phép rồi thí sinh Hoa hậu Việt Nam bị tố phẫu thuật thẩm mỹ, chửi thầy cô, ngụy tạo hồ sơ, đi thi chui… Riêng cuộc thi Duyên dáng doanh nhân Việt 2016 đã tạo nên một kỷ lục bi hài trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam khi trao đến 33 danh hiệu cho tổng số 50 thí sinh trong đêm chung kết…
Quá nhiều cái tên nhan sắc tại các đấu trường người đẹp dường như đang bị xem là một điều đáng buồn bởi số lượng danh hiệu tỷ lệ nghịch với chất lượng nhan sắc, học thức. Điều đáng nói là tại một số cuộc thi, phía sau những danh hiệu kia là những câu chuyện mang tính trao đổi, mua bán để rồi sau cuộc thi là những lời bàn tán, xì xào của chính những người tham gia sân chơi và của cả công chúng. Thế nên, khán giả Việt đã không còn quá bất ngờ khi bê bối nối tiếp bê bối xuất hiện tại các cuộc thi nhan sắc hiện nay, vô hình chung đang làm xấu đi vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.