Nhiều xã miền núi khó về đích NTM
Theo thông tin của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam, hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024-2025 là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thu nhập thấp với bình quân 30 triệu đồng/người/năm. Trong khi, để đạt chuẩn NTM, yêu cầu thu nhập đầu người phải đạt 48 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo ở những địa bàn này còn cao (trung bình khoảng 40%), nếu đạt chuẩn NTM, thì hộ nghèo phải giảm còn 13%, mỗi năm phải giảm 13,5% hộ nghèo cũng là điều rất khó.
Trong khi đó, các xã nghèo mới bắt đầu được thụ hưởng nguồn đầu tư chính sách từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 từ cuối 2023, nên việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo còn rất khó khăn, nhất là các xã có lộ trình đạt chuẩn năm 2023-2024.
Điều đáng quan tâm, khi các xã thuộc vùng ĐBKK khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội (như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho công chức, viên chức…), trong khi đó, điều kiện chung vẫn còn khó khăn.
Việc cắt giảm các chế độ này khi đạt chuẩn NTM sẽ dẫn đến khó khăn về an sinh xã hội đối với người dân ở những địa bàn còn nhiều cái khó và thu hút được cán bộ có năng lực về địa phương công tác. Do đó, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 80% xã đạt chuẩn NTM không hề dễ dễ dàng.
Tìm hiểu từ thực tế cũng cho thấy, việc lồng ghép hai chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở các huyện vùng cao cũng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Hiện tại, các xã vùng ĐBKK không có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình xây dựng NTM, mà chỉ lồng ghép nguồn vốn từ 2 chương trình MTQG nói trên, nên việc đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí còn nhiều khó khăn…
Đơn cử như xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức có đến hơn 95% dân số là người đồng bào DTTS, kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn, người dân sống chủ yếu phụ thuộc vào cây keo và nương rẫy, hiện chỉ đạt 7/19 tiêu chí NTM. Ông Hồ Văn Đông, Chủ tịch xã Phước Trà, chia sẻ: Địa phương đang cố gắng triển khai các mô hình, cũng như vận động người dân chung sức xây dựng NTM, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ về đích. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hết sức khó khăn, bởi thu nhập người dân hiện nay quá thấp, địa phương cũng chưa có những mô hình sản xuất hiệu quả.
"Các tiêu chí NTM hiện nay tăng thêm nhiều so với trước, trong khi thu nhập của bà con chưa được cải thiện nhiều. Từ nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã tích cực hỗ trợ bò, heo, cây giống để bà con sản xuất, tang thu nhập nhưng thực sự hiệu quả chưa cao", ông Hồ Văn Đông cho hay.
Tương tự, ông Bríu Quân, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tây Giang, cho hay: Địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Có nhiều tiêu chí chưa đạt được như nhà ở, nước sạch hợp vệ sinh, môi trường…
“ Thời gian qua, đối với tiêu chí nhà ở, Mặt trận huyện phối hợp với UBND huyện rà soát, đánh giá, thống kê số lượng nhà tạm bợ, dột nát; thành lập Ban vận động ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng hỗ trợ cơ bản xoá dứt điểm hơn 1.000 nhà tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện. Đối với các tiêu chí khác, thì huyện lồng ghép với các nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia để từng bước hoàn thiện”, ông Bríu Quân nói thêm.
Đối diện nguy cơ “rớt chuẩn” NTM
Không chỉ khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí NTM, các xã đã hoàn thành thì đang đối diện với nguy cơ nhiều xã rớt chuẩn NTM. Thống kê cho thấy, trong 112 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020, thì đến nay có 61 xã chưa duy trì từ 1-2 tiêu chí so với Bộ Tiêu chí giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ quy định. Tuy chưa có xã nào nằm trong khung phải thu hồi quyết định công nhận NTM, nhưng việc này đặt ra bài toán nan giải cho địa phương trong việc triển khai xây dựng các tiêu chí NTM, nhất là ở các xã miền núi.
Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam, nguyên nhân chính dẫn đến việc các xã “rớt chuẩn”, là do Bộ Tiêu chí giai đoạn 2022-2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm so với trước nên cần có thời gian để thực hiện. Cụ thể, như đối với tiêu chí số 1 quy hoạch: Hiện nay các xã quy hoạch từ năm 2012-2013 nên đến nay theo quy định, thì kỳ quy hoạch đã hết. Trước đây, quy hoạch theo quy định cũ (Thông tư liên tịch số 13), nay các hướng dẫn về quy hoạch đã có sự thay đổi nên hầu hết các xã đều rớt chuẩn so với tiêu chí này.
Đối với tiêu chí số 2 về giao thông, nguyên nhân rớt chuẩn là do có sự thay đổi chỉ tiêu cừng hóa về đường trục xã và đường trục thôn tăng từ 70% lên 100%. Đây là tiêu chí khi duy trì chuẩn cần kinh phí để thực hiện, tuy nhiên nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ chậm nên khó thực hiện.
Đối với tiêu chí 8 về thông tin truyền thông, do tỉ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến chưa đảm bảo, đài phát thanh xuống cấp dẫn đến việc một số xã rớt chuẩn.
Đối với một số tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn… có một số thay đổi nên cần thời gian thực hiện. Ví như, tiêu chí 11 về nghèo đa chiều, trước đây chỉ đánh giá về hộ nghèo, nhưng hiện nay có cả hộ nghèo và cận nghèo. Hay với tiêu chí 10 về thu nhập, so với giai đoạn trước, hiện nay Bộ Tiêu chí mới quy định mức thu nhập tăng 3 triệu đồng/người/năm nên địa phương đang từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, việc khám chữa bệnh điện tử thấp; số thôn đạt văn hóa 3 năm liên tục chưa đảm bảo… cũng là nguyên nhân dẫn đến một số địa phương rớt chuẩn các tiêu chí NTM so với trước…
Cũng theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật các địa phương khá lớn, nhất là ở khu vực miền núi, nhưng việc huy động các nguồn lực, xã hội hóa còn nhiều hạn chế. Nhiều xã ở miền núi đã khó khăn, nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai nên nhiều tiêu chí phải đầu tư lại từ đầu; ngoài ra do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh tế khó khăn làm cắt giảm nhiều cho công tác đầu tư, duy tu bảo dưỡng… Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực để khắc phục và duy trì các tiêu chí theo chuẩn.