Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Đề án 1163: Nguồn lực vẫn là “điểm nghẽn” (Bài 4)

K. Thư – Song Vy - 16:27, 19/08/2022

Đề án 1163 quy định, nguồn lực thực hiện Đề án là từ ngân sách nhà nước. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án này theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn thực hiện Đề án bố trí không đủ, không kịp thời; thậm chí có địa phương không bố trí được kinh phí riêng để thực hiện Đề án.

Đề án 1163 chủ yếu được triển khai lồng ghép với hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và lồng ghép với kinh phí của các Chương trình, Đề án có liên quan
Đề án 1163 chủ yếu được triển khai lồng ghép với hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và lồng ghép với kinh phí của các Chương trình, Đề án có liên quan

Chủ yếu lồng ghép vốn

Giai đoạn 2017 – 2021, Ninh Thuận là một trong 51 tỉnh, thành phố triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 (gọi tắt là Đề án 1163). Nếu chiếu theo kế hoạch hằng năm, và kế hoạch của 05 năm (2017 – 2021) thì khối lượng công việc cũng như kinh phí triển khai Đề án 1163 của tỉnh này là khá lớn.

Chỉ tính riêng năm 2018, theo Kế hoạch số 796/KH-UBND ngày 01/3/2018 của UBND tỉnh thì Ninh Thuận sẽ tổ chức 01 Hội nghị tập huấn cho 100 cán bộ làm công tác dân tộc các cấp; tổ chức 14 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho đồng bào DTTS (100 người/lớp); in 5.000 cuốn tài liệu pháp luật; sản xuất 5 chương trình phóng sự truyền hình bằng tiếng Chăm, tiếng Raglai.

Tổng kinh phí thực hiện các nội dung này trong năm 2018 là 270 triệu đồng, chưa tính 20 triệu đồng kinh phí quản lý, kiểm tra thực hiện Đề án. Theo cách tính cơ học thì trong 05 năm (2017 – 2021), tỉnh Ninh Thuận sẽ cần khoảng 1,35 tỷ đồng để thực hiện Đề án 1163.

Là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, Ninh Thuận sẽ được ngân sách Trung ương bố trí vốn để thực hiện. Tuy nhiên, theo văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Đề án 1163 cho thấy, trong 05 năm qua, Ninh Thuận không được bố trí một đồng nào từ ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương để triển khai Đề án.

Tương tự, trong 05 năm, vốn ngân sách bố trí thực hiện Đề án 1163 của tỉnh Ninh Bình cũng là “0 đồng”. Ngay cả một địa phương “đầu tàu” về kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ bố trí được 169 triệu đồng để thực hiện; tỉnh Lâm Đồng bố trí được 100 triệu đồng…

Vì không có kinh phí riêng để triển khai nên các nội dung của Đề án 1163 phần lớn được các địa phương lồng ghép thực hiện, “ăn theo” các chương trình, dự án khác. Như tại Ninh Bình, trong 03 năm đầu thực hiện Đề án 163, theo Báo cáo số 173/BC-UBND ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh thì kinh phí thực hiện được “lồng ghép với kinh phí hoạt động PBGDPL và hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương và lồng ghép với kinh phí của các Chương trình, Đề án có liên quan”.

Còn tại Ninh Thuận, theo văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, trong 05 năm thực hiện Đề án 1163, tỉnh đã lồng ghép vốn để biên soạn, phát hành được 6.070 cuốn sổ tay pháp luật miễn phí; in, phát hành được 10.000 tờ rơi và 13 Panô/băng rôn tuyên truyền.

 Với tỉnh Lâm Đồng, từ nguồn kinh phí 100 triệu đồng bố trí thực hiện Đề án 1163, trong 05 năm, tỉnh này đã tổ chức biên soạn, in và phát hành được 1.120 cuốn sổ tay pháp luật; in, phát hành 74.000 tờ rơi và 36 Panô/băng rôn tuyên truyền…

Trong 05 năm, cùng với lồng ghép tuyên tuyền, vận động từ các chương trình, đề án khác, tỉnh Gia Lai đã bố trí hơn 1 tỷ đồng để đẩy mạnh công tác TTPBGDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn (Ảnh minh họa)
Trong 05 năm, cùng với lồng ghép tuyên tuyền, vận động từ các chương trình, đề án khác, tỉnh Gia Lai đã bố trí hơn 1 tỷ đồng để đẩy mạnh công tác TTPBGDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn (Ảnh minh họa)

Cần tính toán phù hợp

Tính chung lại, trong 05 năm, kinh phí triển khai Đề án 1163 tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi là rất khiêm tốn. Tổng hợp từ 37/51 tỉnh thành tại văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, trong 05 năm, các địa phương chỉ bố trí được gần 40,5 tỷ đồng để thực hiện.

Còn tại cấp Trung ương cũng chẳng khả quan hơn mấy. Theo thống kê, trong 05 năm, ngân sách chỉ bố trí được 14 tỷ đồng để triển khai các nội dung của Đề án 1163. Trong đó, năm 2017 không có vốn thực hiện; năm 2018 bố trí được 2 tỷ đồng; 3 năm còn lại (2018 – 2021) mỗi năm được bố trí 4 tỷ đồng để triển khai.

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế đó, Ủy ban Dân tộc đã nỗ lực để tổ chức được 25 Hội nghị, lớp tập huấn và 620 hội thảo; xây dựng được 11 mô hình điểm về TTPBGDPL; sản xuất và phát sóng 40 chương trình truyền hình và 32 chương trình phát thanh bằng tiếng các DTTS. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc đã biên soạn và phát hành 11.083 cuốn sổ tay pháp luật, trong đó có 6.500 cuốn bằng tiếng các DTTS; cung cấp 13/900 đầu sách pháp luật cho các địa phương…

Ở cấp địa phương, dù ngân sách có hạn nhưng nhiều tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi đã chủ động bố trí vốn để triển khai Đề án 1163 một cách hiệu quả. Như tỉnh Gia Lai, trong 05 năm, cùng với lồng ghép tuyên tuyền, vận động từ các chương trình, đề án khác thì tỉnh đã bố trí hơn 1 tỷ đồng để đẩy mạnh công tác TTPBGDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi” là Đề án có nội dung thiết thực, phù hợp với địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS, cần được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới. Do đó, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tích hợp vào Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để đảm bảo nguồn lực tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của người dân.

(Báo cáo số 975/BC-UBDt ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc)

Nhờ đó, trong giai đoạn 2017-2021, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các sở, ngành và địa phương tổ chức 1 hội thảo, 10 hội nghị tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phổ biến pháp luật; lắp đặt 200 áp phích tuyên truyền, phổ biến một số chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; tổ chức 5 mô hình điểm tuyên truyền pháp luật tại các huyện: Kông Chro, Mang Yang, Chư Sê, Đức Cơ và Krông Pa.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối với các sở, ngành, địa phương tổ chức 17.780 buổi phổ biến pháp luật, thu hút gần 1,4 triệu lượt người tham gia; tổ chức 216 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 44.004 lượt người tham gia; cấp phát miễn phí hơn 1,3 triệu tài liệu, đăng tải 13.543 tin, bài trên các ấn phẩm báo chí và phát sóng 19.074 bản tin tuyên truyền luật pháp trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã.

 Kết quả, 100% công chức, viên chức của các cơ quan dân tộc trong tỉnh nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; 70% dân cư vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Đề án 1163, trong văn bản số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022, Ủy ban Dân tộc nhận định, công tác TTPBGDPL cho đồng bào DTTS dù đã được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đáng chú ý trong đó, là các hoạt động chưa thực sự phong phú, chưa có nhiều mô hình điểm về TTPBGDPL để nhân rộng…

Nguyên nhân khách quan được Ủy ban Dân tộc chỉ ra, có một phần là do nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện; trong đó có nhiều địa phương không bố trí được kinh phí riêng để triển khai Đề án 1163. Đây là “điểm nghẽn” cần được Bộ Tài chính và các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi rà soát, xác định lại để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, khi công tác TTPBGDPL đã được tích hợp vào Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tin cùng chuyên mục
Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh: Đối thoại để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác và sức chiến đấu ở cơ sở

Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh: Đối thoại để có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác và sức chiến đấu ở cơ sở

Nhằm tạo cơ hội để cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã, phường, thị trấn bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất các giải pháp hiệu quả công tác và chiến đấu ở cơ sở. Chiều 20/9, Công an TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Ban Thường vụ Đảng ủy – Ban Giám đốc Công an thành phố với CBCS Công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2024.