Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhìn lại bức tranh kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Hạn chế năng lực cạnh tranh và liên kết vùng (Bài 2)

Thúy Hồng - 08:08, 28/05/2021

Trong những năm qua, vùng Trung du miền núi phía Bắc (TD&MNPB) cũng đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn chưa tạo ra sự khác biệt, nâng cao tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết vùng....để tạo bước đột phá trong quá trình phát triển...

Năng lực cạnh tranh của các địa phương trong vùng còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư để phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng.
Năng lực cạnh tranh của các địa phương trong vùng còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư để phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng.

Quy mô đầu tư nhỏ lẻ

Ngày 08/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1064/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNPB đến năm 2020. Theo đó, hàng loạt các giải pháp về cơ chế chính sách được đề ra như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển; Xây dựng chính sách hỗ trợ để phát triển có trọng điểm các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu;…

Từ việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, các địa phương trong vùng, đều xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Tuy nhiên,  quy mô chất lượng doanh nghiệp ở vùng, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào phát triển sản xuất để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng.

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, cho thấy bức tranh không mấy lạc quan, khi đa số các tỉnh được xếp hạng ở nhóm khá và trung bình. Có tới 5 tỉnh trong khu vực đứng trong nhóm 10 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất cả nước. Và có tới 8 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, góp mặt trong nhóm 10 tỉnh có số doanh nghiệp hoạt động thấp nhất cả nước. 

Tính đến 2020, cả khu vực mới chỉ có 31.812 doanh nghiệp đang hoạt động, có nghĩa là cứ 395 người dân mới có 1 doanh nghiệp, chưa bằng 1/3 mức độ trung bình trong cả nước (bình quân cả nước cứ 127 người dân đã có 1 doanh nghiệp).

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân, là do hầu hết các địa phương trong khu vực này có xuất phát điểm thấp, địa hình hiểm trở, đặc biệt là hạ tầng giao thông thiếu và yếu. Ở tiểu vùng Tây Bắc hiện nay, mới chỉ có một tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường sắt lạc hậu, sân bay quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, chưa gắn kết chặt chẽ phát triển ngành với vùng, địa phương, ảnh hưởng đến chất lượng dự án, thiếu tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư.

Như ở Yên Bái, để khai thác thế mạnh lâm nghiệp trên địa bàn, đia phương đã ban hành nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh tạo khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã thu hút được 38 dự án đầu tư vào sản xuất và chế biến lâm nghiệp, với tổng vốn đầu tư 4.154,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhìn nhận: Hiện tỉnh Yên Bái đứng thứ 33/63 tỉnh thành trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, chất lượng điều hành đứng thứ 5 trong 14 tỉnh khu vực TD&MNPB. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Lạng Sơn, là địa phương thuận lợi trong phát triển kinh tế cửa khẩu, có các sản phẩm nông sản nổi tiếng như na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn… nhưng theo kết quả công bố PCI năm 2020, Lạng Sơn đạt 62,43 điểm xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 9 trong khu vực miền núi phía Bắc. Nhiều chỉ số thành phần của tỉnh còn thấp điểm như: tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; tính năng động của chính quyền; chi phí không chính thức; tính minh bạch...

Thiếu chuỗi liên kết bền vững

Những năm qua, việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương, cũng đang góp phần không nhỏ vào sự phát kinh tế -xã hội của vùng. Theo thống kê, hiện quy mô GDP năm 2020 của vùng đạt 8% cả nước, có mức tăng 1,7 lần so với năm 2005. Nhiều sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia như cam chiếm hơn 20% tổng sản lượng cả nước; bưởi chiếm 29,3% và chè chiếm tới 77%...

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vùng TD&MNPB vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún

Tuy nhiên, các sản phẩm công nghiệp sản xuất, gia công, chế biến thô nên giá thành thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, nhà nông, hợp tác xã (HTX) còn chưa nhiều. Du lịch cũng là một trong những thế mạnh của các tỉnh này, nhưng nhìn từ thực tế, vẫn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế…

Bởi, hơn bất kì lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết trong phát triển sản phẩm, liên kết trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch… Đặc biệt trong bối cảnh Covid - 19 như hiện nay, việc liên minh, liên kết càng trở nên cần thiết. Trong thời gian qua, các hoạt động liên kết vùng du lịch các tỉnh Tây Bắc cũng đã được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên ngành quan tâm mở rộng, đạt được những kết như: Liên kết du lịch về nguồn kết nối Lào Cai, Phú Thọ kết nối với Thái Nguyên Tuyên Quang …Cụ thể hơn là, mỗi năm một  địa phương sẽ làm trưởng nhóm liên kết; các địa phương trong nhóm liên kết đề xuất một số hoạt động của địa phương mình và hưởng ứng hoạt động của địa phương khác. 

Các chương trình này, mặc dù đã thu hút được sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch, cũng như thu hút được du khách…Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn chưa rõ ràng, chủ yếu theo cơ chế luân phiên; vẫn mang tính hình thức.  Liên kết nhưng không có chương trình chung, vì việc của tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện và không có nguồn kinh phí chung... Vì vậy, việc liên kết giữa các địa phương chưa tạo được sức bật đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của vùng nên chưa thấy rõ hiệu quả kinh tế - xã hội.

Hay như đối với lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân chưa trở thành phổ biến. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2013 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của vùng đạt bình quân 3,68%/năm. Vùng có 2.519 trang trại chăn nuôi, tăng 3 lần so với năm 2013. 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế…

Do đó, dù vùng TD&MNPB được xác định là một trong 6 vùng kinh tế của cả nước, nhưng kết quả vẫn đang ở dạng như phép cộng cơ học của các địa phương, mà chưa làm nên sự khác biệt, nhất là trong chuỗi liên kết để hình thành các khu kinh tế và các dự án phát triển mang dấu ấn vùng. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách vẫn còn bó hẹp nên chưa khơi thông thu hút được nguồn lực, tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.