Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thực hiện Nghị quyết này, ngành giáo dục của tỉnh Lào Cai đã có những thay đổi tích cực cả về “chất và lượng”.
Quán triệt sâu sắc 7 quan điểm, 9 nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 29, Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động, ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 29, triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
Cụ thể, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 3 đề án, 20 cơ chế, chính sách đặc thù, theo đó mỗi năm có hơn 135 nghìn học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ. Tỉnh cũng đã quy hoạch, rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân. Chú trọng công tác phổ cập giáo dục; đồng thời phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiể số.
Điển hình ở huyện vùng cao Bắc Hà, cách đây 10 năm, giáo dục ở Bắc Hà gặp vô vàn khó khăn, quy mô trường lớp phát triển chưa nhiều. Năm học 2013-2014, toàn huyện có tổng số có 200 phòng ở bán trú, trong đó phòng tạm chiếm 25%, không ít học sinh phải thuê nhà tạm gần trường để ở lại học tập; tự túc ăn ở; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, học nghề thấp…; Khó khăn nhất là việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 29 ra đời, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, giáo viên, các tầng lớp Nhân dân về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có sự chuyển biến mạnh mẽ; sự nghiệp giáo dục đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân…
Đến nay, toàn huyện có 61 trường học và 01 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, với 139 điểm trường lẻ, 812 lớp. 19/19 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS có 09/19 xã, thị trấn đạt mức độ 3, còn lại đạt mức độ 2.
Đến năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT hoặc học nghề đạt 80,2%. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của con em đồng bào các dân tộc với 446/446 phòng ở bán trú được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, không còn phòng tạm…
Huyện Bắc Hà chỉ là một trong nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai có chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục sau khi triển khai Nghị quyết 29. Những năm gần đây, ngành Giáo dục Lào Cai đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; có nhiều mô hình giáo dục đặc thù và được nhân rộng góp phần quan trọng thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 398/602 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,1%. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 xếp hạng 27/63 tỉnh thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc…
Tuy nhiên, giáo dục Lào Cai cũng còn như những hạn chế, tồn tại nhất định. Cụ thể, một số trường học có quy mô nhỏ dưới 200 học sinh; còn 17% học sinh sau tốt nghiệp THCS và khoảng 20% học sinh sau tốt nghiệp THPT nghỉ học đi lao động trực tiếp; vẫn còn giáo viên chưa tâm huyết, chưa trách nhiệm, chưa nhiệt tình trong giảng dạy, hạn chế về năng lực chuyên môn...
“Quan điểm của Lào Cai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người; chú trọng đổi mới cách quản lý giáo dục, đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với thực tiễn; đổi mới giáo dục gắn với hội nhập quốc tế, đào tạo những công dân toàn cầu. Cùng với đó, trong đổi mới giáo dục chú trọng dạy thật, học thật, đánh giá thật; đổi mới giáo dục phải hướng tới giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, nhân cách, kỹ năng, sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại…”, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai chia sẻ.
Với những kết quả đã đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, hy vọng ngành Giáo dục của tỉnh miền núi Lào Cai sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả cao hơn nữa, đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cho địa phương cũng như cả nước. Đặc biệt từ nguồn lực đầu tư cho giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, sự nghiệp giáo dục và Đào tạo ở Lào Cai sẽ có nhiều khởi sắc.