Tiếp cận quy định mới- dự báo những khó khăn
Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, có 470 học sinh, với 100 là con em đồng bào DTTS. Cô giáo Đỗ Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xã Sín Chéng về đích nông thôn mới năm 2017, theo QĐ 861 thì Sín Chéng hiện là xã vùng I. Như vậy, các em học sinh sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ.
“Chúng tôi đang rất lo lắng, vì thực ra đời sống của bà con nơi đây cũng còn nhiều khó khăn. Nếu không còn được hỗ trợ của Nhà nước, thì sẽ rất khó cho nhà trường trong việc vận động học sinh ra lớp, ra trường”, cô Nhung nói.
Theo thống kê, thực hiện QĐ 861, huyện Si Ma Cai có 05 xã, gồm: Cán Cấu, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế và thị trấn Si Ma Cai, học sinh sẽ không còn được hưởng chế độ hỗ trợ. Trong năm học 2021 - 2022, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tất cả học sinh lớp 3 ở các điểm trường lẻ, sẽ về trường chính học tập. Nếu không có chế độ hỗ trợ của Nhà nước thì việc huy động học sinh ra lớp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Huyện Si Ma Cai có 23 trường PTDT bán trú, năm học tới huyện sẽ giảm xuống còn 9 trường theo mô hình này do tỷ lệ học sinh bán trú không đủ”, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện thông tin.
Còn tại huyện vùng cao Bắc Hà, theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, năm học mới này, sẽ có hàng nghìn học sinh thuộc 04 xã nông thôn mới là Nậm Đét, Bản Phố, Nậm Mòn, Cốc Lầu và 1 xã dự kiến đạt nông thôn mới trong năm 2021 (xã Bản Liền), không còn được Nhà nước hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 10,4 tỷ đồng. Ngoài ra, học sinh mầm non ở các xã này cũng không được hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 105, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Chủ động tháo gỡ...
Tổng hợp của Sở GD&ĐT Lào Cai, theo QĐ 861, toàn tỉnh sẽ có 135.000 học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí, chiếm khoảng 60% học sinh toàn tỉnh; giảm 40/134 trường PTDT bán trú ở các huyện vùng cao (giảm gần 30% số trường PTDT bán trú).
Trước thực tế này, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản chỉ đạo ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND tỉnh về việc “Ban hành quy định các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025” để UBND tỉnh xem xét, trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVI, theo hướng bổ sung đối tượng xã khu vực III (đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) được hưởng chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ, tiền ăn cho học sinh bán trú, hỗ trợ sách giáo khoa, học phẩm…; và giữ nguyên các chính sách hỗ trợ đối tượng đang được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 29 thuộc các xã khu vực III, khu vực II đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Một tin vui đối với con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/7/2021, đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về việc tiếp tục hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, học sinh, trẻ mầm non tại các xã khu vực II, khu vực III, được công nhận hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hưởng các chính sách đặc thù theo quy định tại Điều 1, điều 10, điều 11, điều 14 của Nghị quyết số 29/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020. Thời hạn được hưởng hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022.
Với việc ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND cho thấy, tỉnh Lào Cai đã và đang rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chính sách này cũng chỉ hỗ trợ hết năm học 2021-2022, để tránh bị động cho các năm học tiếp theo, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tiếp cận dần chủ trương, quy định mới, tiếp tục quan tâm đầu tư cho cho con em tới lớp tới trường khi không còn chính sách hỗ trợ.