Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Nhiều thành tựu trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số

Khánh Linh - 10:33, 12/10/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Cùng với xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển CĐS một cách đồng bộ với ba trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số, xem đây là bước
Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số

Những con số ấn tượng

Theo đó, thời gian qua, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, CĐS đã được triển khai đồng bộ, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm từ Trung ương đến địa phương theo 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, vấn đề hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho CĐS được chú trọng, là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện CĐS.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, thể chế số, Chính phủ đã yêu cầu cụ thể từng bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện một số nội dung trọng tâm về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, CĐS quốc gia. Cùng với đó, Ủy ban quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hành động quyết liệt, hiệu quả để thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia.

Nhờ vậy, công tác CĐS bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều mặt như: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, an toàn, an ninh thông tin... Từ đó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển Chính phủ số.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ diễn ra mới đây, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến với trên 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, với hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/8/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong tháng 8 năm 2023 là 41.864.961 giao dịch; trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP đạt 372.108.890 giao dịch.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Đề án 06 của Chính phủ và chuyển đổi số quốc gia đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số (Ảnh: TL)
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Đề án 06 của Chính phủ và chuyển đổi số quốc gia đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số (Ảnh: TL)

Cùng với đó, việc xây dựng các CSDL tạo nền tảng Chính phủ điện tử cũng đạt được nhiều kết quả tích cực: CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin, 21 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử; toàn quốc đã có 30.809.508 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai xây dựng CSDL đất đai; CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã cơ bản hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với trên 95% các cơ quan, đơn vị…

Về nguồn nhân lực số, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.818 Tổ CNSCĐ và 351.159 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã…

Về nội dung kinh tế số, xã hội số, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số/GDP trong Quý II năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Đến hết ngày 11/8/2023, số lượt doanh nghiệp SME tiếp cận Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS là 925.268 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình là 149.338 doanh nghiệp…

Thúc đẩy CĐS quốc gia

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác CĐS được xác định còn tồn tại nhiều bất cập, là rào cản cho sự phát triển xã hội số. Phần lớn các bộ, ngành chưa hoàn thành việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về quản lý dân cư; việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả; công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm; kinh tế số vẫn còn hạn chế và kết nối giữa các nền tảng chưa đáp ứng yêu cầu; xã hội số còn nhiều vướng mắc…

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu được đặt ra tại chương trình CĐS quốc gia, công cuộc CĐS cần khắc phục những hạn chế còn tồn động, đồng thời cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, tiếp thu thành tựu thế giới và vận dụng phù hợp với bối cảnh thực tiễn tại nước ta.

Phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số
Phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số

Trong đó, nhiệm vụ CĐS phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong xây dựng CSDL quốc gia, xây dựng hạ tầng số phải đồng bộ để tạo cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp thực hiện, đề cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện CĐS.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung để hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2023, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS của bộ, ngành, địa phương năm 2023 và Kế hoạch CĐS năm 2023 của bộ, ngành, địa phương. Tập trung ưu tiên CĐS các lĩnh vực có thế mạnh, tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội.

Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình CĐS quốc gia, CĐS mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Từ đó tạo nền móng cho CĐS, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.