Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều nước EU trong tình trạng COVID-19 "rất đáng lo ngại", Trung Quốc cơ bản kiểm soát đợt dịch mới

PV - 11:07, 14/11/2021

Đến sáng 14/11, thế giới có trên 253,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,1 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Đến nay, hơn 253,6 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)
Đến nay, hơn 253,6 triệu người trên toàn cầu đã mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch  COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 47,87 triệu ca mắc và hơn 783.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 20.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 34,4 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 463.002 trường hợp thiệt mạng.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 610.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,94 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Tòa án tối cao Brazil đã đình chỉ lệnh của Chính phủ nước này về việc ngăn các công ty yêu cầu nhân viên cung cấp bằng chứng rằng họ đã được tiêm  vaccine COVID-19 và ngừng sa thải những người không được tiêm chủng. Trước đó, vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Lao động Brazil Onyx Lorenzoni ban hành luật trên và cho rằng, việc cho phép các công ty sa thải những nhân viên từ chối tiêm phòng là vô lý và vi phạm quyền của họ.

Cơ quan Quản lý dịch bệnh châu Âu cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là "rất đáng lo ngại". Trong tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh, tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. ECDC cho biết, số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungaria và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm cao trong tuần này.

Nằm trong danh sách "đáng lo ngại" hiện có 13 quốc gia Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Cyprus, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, "tình hình đáng lo ngại vừa phải" và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết, nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân Nga có thể tham gia các sự kiện công cộng, đến nhà hàng và cửa hàng phi thực phẩm không chỉ bằng mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh COVID-19 trước đó mà còn bằng các xét nghiệm PCR âm tính.

Chính phủ Nga đã đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) dự luật về việc sử dụng hệ thống mã QR trong các cửa hàng phi thực phẩm, nhà hàng, cơ sở văn hóa và tại các sự kiện công cộng. Quyết định về việc sử dụng mã QR và danh sách các cơ sở sẽ được chính quyền địa phương đưa ra. Dự kiến, hệ thống mã QR code sẽ hoạt động cho đến ngày 1/6/2022. Từ nay đến tháng 2/2022, Nga sẽ tập trung tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19. Người dân vẫn có thể tham gia các sự kiện công cộng hay tới nhà hàng nhưng phải xuất trình mã QR hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng trên 8,99 triệu người mắc COVID-19, cao thứ 5 thế giới, trong đó có hơn 252.900 ca tử vong. Ngày 13/11, nước này lại ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 1.240 ca. Trong tuần qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Nga cũng đã tăng 3% so với tuần trước đó. Trong khi số ca nhiễm mới 2 tuần gần đây luôn duy trì ở mức cao, trung bình gần 40.000ca nhiễm/ngày, dù Nga đã có một tuần nghỉ làm để phòng dịch.

WHO cho biết tổ, chức này tiếp tục tiến trình xem xét, đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất sau một thời gian bị đình trệ. Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Nga phê duyệt từ tháng 8/2020, đạt hiệu quả hơn 91% và hiện được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên toàn cầu.

Phó Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi, tất cả các bang ở nước này tăng cường những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 hơn nữa trong bối cảnh số ca mắc mới liên tục ghi nhận những kỷ lục buồn trong những ngày qua. Theo ông Scholz, mặc dù cho đến nay tỷ lệ tiêm chủng tại Đức cao hơn một số nước khác nhưng nhiều người dân vẫn chưa tận dụng cơ hội tiêm chủng, vì vậy chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến số ca mắc mới vẫn gia tăng trong những ngày qua.

Do vậy, ngoài việc kêu gọi chính quyền các bang tiếp tục áp đặt các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang bắt buộc hay những quy định khác về vấn đề vệ sinh, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi một chiến dịch tiêm chủng rộng rãi hơn. Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Đức liên tục gia tăng, đặc biệt có ngày vượt 50.000 ca, chính quyền liên bang dự kiến sẽ triệu tập hội nghị trong tuần tới với sự tham gia của đại diện tất cả các bang để thảo luận về các biện pháp đối phó với đợt dịch thứ tư hiện nay.

Bộ Y tế và Viện y tế quốc gia (ISS) Italy đã công bố báo cáo giám sát dữ liệu COVID-19 mới nhất, trong đó cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 của nước này đã tăng lên 78/100.000 dân trong tuần kết thúc vào ngày 11/11, so với 53/100.000 của tuần trước. Số liệu của báo cáo chỉ ra rằng, chỉ số Rt biểu thị tốc độ lây truyền của virus SARS-CoV 2 đã tăng lên 1,21, so với mức 1,15 của tuần trước. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị cũng tăng 6,1%, và số bệnh nhân nặng phải cấp cứu tăng 4,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ trên vẫn thấp hơn mức để Italy phải kích hoạt cảnh báo, yêu cầu một vùng của Italy phải chuyển từ "khu vực trắng" ít bị hạn chế nhất sang "khu vực màu vàng" có nhiều hạn chế hơn.

Hà Lan đã tái áp đặt một loạt hạn chế về sức khỏe. (Ảnh: AP)
Hà Lan đã tái áp đặt một loạt hạn chế về sức khỏe. (Ảnh: AP)

Từ ngày 13/11, Hà Lan chính thức tái phong tỏa một phần, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng và các dịch vụ không thiết yếu, để đối phó với số ca mắc COVID-19 đang tăng cao kỷ lục. Các biện pháp hạn chế mới sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần. Theo đó, tất cả các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa từ lúc 20h hàng ngày, trong khi các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa từ 18h.

Người dân Hà Lan được kêu gọi không đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa. Các cuộc tụ tập của công chúng bị cắt giảm và những trận đấu bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả, bao gồm cả vòng loại World Cup giữa Hà Lan và Na Uy vào tuần tới. Tuy nhiên, trường học vẫn mở cửa và người dân vẫn được phép ra khỏi nhà.

Trong 2 ngày qua, mỗi ngày Hà Lan ghi nhận hơn 16.000 ca mắc mới COVID-19. Con số này cao nhất kể từ cuối năm 2020. Tình hình dịch bệnh tại Hà Lan vẫn tăng cao bất chấp việc 82% người dân trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Hà Lan đã ghi nhận 13.848 trường hợp mắc mới COVID-19 trong ngày 13/11. Kể từ đầu mùa dịch, Hà Lan đã có trên 2,28 triệu trường hợp mắc và 18.778 ca tử vong trên tổng số 17 triệu dân.

Trái ngược với diễn biến nóng của dịch bệnh tại các nước châu Âu, Anh trong tuần qua lại ghi nhận chiều hướng giảm suốt 18 ngày qua. Số ca nhiễm mới tuần qua tại Anh đã giảm 6% so với tuần trước đó, số ca tử vong giảm 9. Chiến dịch thúc đẩy tiêm chủng, tiêm mũi tăng cường cho người dân được cho là đóng góp quan trọng cho việc giảm số ca nhiễm tại Anh.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, xu hướng giảm là tạm thời, số ca bệnh vẫn ở mức cao; Nước Anh đang trong giai đoạn chuyển tiếp khi mùa đông đã tới và sự gia tăng của du lịch quốc tế có thể gây phức tạp cho tình hình dịch bệnh.

Tại Philipines, những người đến làm việc ở các văn phòng, cơ sở sản xuất sẽ phải tiêm vaccine hoặc phải xét nghiệm thường xuyên. Các dịch vụ giao thông công cộng có quyền yêu cầu nhân viên tiêm chủng đầy đủ như một điều kiện để tiếp tục làm việc. Các cơ sở công lập và tư nhân có thể từ chối nhân viên, từ chối dịch vụ với các cá nhân chưa tiêm chủng, trừ trường hợp khẩn cấp.

Giới chức nước này cho biết, tốc độ tiêm chủng chậm đang làm phức tạp các nỗ lực mở cửa và phục hồi kinh tế. Để thúc đẩy, Philippines sẽ tổ chức một đợt tiêm chủng đại trà quy mô lớn trong 3 ngày từ 29/11 - 1/12, mục tiêu là tiêm chủng cho 15 triệu người. Đến nay, mới có hơn 25% người dân Philippines được tiêm chủng đầy đủ.

Thái Lan đã quyết định lùi thời điểm mở cửa trở lại các địa điểm giải trí ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất giữa tháng 1/2022. Giới chức Thái Lan lo ngại, việc mở cửa trở lại các địa điểm trên có thể dẫn đến nhiều ca lây nhiễm hơn nếu không có biện pháp phù hợp. Trước đó, nhiều doanh nghiệp kêu gọi Chính phủ mở cửa các địa điểm giải trí ban đêm từ ngày 1/12 tới.

Thái Lan đã đưa tỉnh Chanthaburi ra khỏi danh sách "vùng đỏ sẫm", giảm số tỉnh thuộc diện này còn 6 tỉnh. Về du lịch, Thái Lan cũng đang xem xét nới lỏng quy định cho du khách bằng việc xét nghiệm kháng nguyên với khách nhập cảnh thay vì xét nghiệm PCR như hiện tại để giảm thời gian. Nước này cũng đặt ra mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021 sau khi thông báo sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11/2021, sớm hơn một tháng so với kế hoạch.

Ngày 13/11, Thái Lan ghi nhận thêm 7.057 ca mắc mới cùng 53 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên trên 2 triệu người, trong đó có 19.987 bệnh nhân không qua khỏi.

Bộ Y tế Lào bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế, đồng thời dành giường điều trị cho các ca bệnh nặng. Những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như đã tiêm đủ vaccine COVID-19; độ bão hoà oxy trong máu (SP02) trên 95%, nhịp thở dưới 25/phút, không bị khó thở; người có các triệu chứng nhẹ như đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; người dưới 60 tuổi không có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, ung thư, tim mạch vành, suy thận… và người không mang thai.

Ngày 13/11, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.032 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận ở mức cao tại 17/18 tỉnh/thành, trong đó có tới 1.018 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Vientiane tiếp tục đứng đầu cả nước với 409 ca cộng đồng, giảm 170 trường hợp so với ngày 12/11. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 53.207 ca, trong đó có 96 người tử vong.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã quyết định cho phép tất cả các sự kiện, bao gồm cả đám cưới và lễ hội tôn giáo, được tổ chức không giới hạn về số người tham gia. Tuy nhiên, karaoke và câu lạc bộ đêm vẫn phải ngừng hoạt động cho đến sau ngày 30/11/2021.

Theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, tất cả các hoạt động đông người bình thường tại nơi làm việc hoặc các buổi hội họp của người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang, cũng như các hoạt động của các đảng chính trị hợp pháp được phép diễn ra và với số người tham gia không bị giới hạn. Tuy nhiên, những người tham gia phải thực hiện các quy định an toàn y tế để phòng chống dịch COVID-19 lây lan.

Campuchia cho phép tổ chức các sự kiện đông người trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong tại nước này giảm xuống mức thấp ngày thứ 13, sau khi Campuchia tuyên bố mở cửa hoàn toàn.

Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát làn sóng dịch mới. Đây là thông tin do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đưa ra vào ngày 13/11. Tình hình dịch tại các tỉnh bùng phát dịch đầu tiên như tại tỉnh Hắc Long Giang, Hà Bắc, Hồ Nam… đang dần được kiểm soát. Chính quyền thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và một số thành phố của tỉnh Giang Tây, Vân Nam đang tập trung hạn chế tối đa việc lây lan sang các địa phương khác.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các địa điểm có nguy cơ cao và các nhóm rủi ro. Ngày 13/11, Trung Quốc ghi nhận chưa đến 50 ca nhiễm mới COVID-19.

Tại Hàn Quốc, ngày 13/11, số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức trên 2.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh nặng đã lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi bùng phát dịch. Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) đã ghi nhận 2.325 người nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 393.042 trường hợp. Số ca nhiễm mới theo ngày luôn ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7, trong đó cao nhất là 3.272 ca ghi nhận ngày 25/9. Nước này cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ làn sóng lây nhiễm thứ tư bắt đầu vào tháng 7, nâng tổng số người thiệt mạng trên cả nước lên 3.083 trường hợp. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.