Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Huyện Krông Búk (Đắk Lắk): Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan trong đồng bào DTTS

Hoàng Thùy - Phan Trọng - 16:57, 13/11/2021

Krông Búk là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 trong đồng bào DTTS cao nhất tỉnh Đắk Lắk. Hiện các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và lực lượng y tế huyện đang từng ngày nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ngành Y tế huyện Krông Buk sàng lọc nhanh chóng các ổ dịch
Ngành Y tế huyện Krông Buk sàng lọc nhanh chóng các ổ dịch

Nguồn lây từ các tỉnh phía Nam

Tính đến chiều ngày 12/11, tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk đã ghi nhận 176 ca mắc Covid-19. Trong quá trình sàng lọc tại 4 buôn đồng bào DTTS, đã phát hiện 14 ca mắc. Riêng chiều ngày 12/11, ổ dịch tại buôn Kbuôr xuất hiện 9 ca, tất cả đều là người Ê Đê.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, huyện Krông Buk cho biết: Ngay sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên tại buôn A Drơng vào cuối tháng 7, chính quyền địa phương đã thiết lập khu phong tỏa, cách ly y tế và tiến hành test nhanh kháng nguyên đối với 508 hộ, 2.356 khẩu tại 4 buôn đồng bào DTTS để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn xã có 187 công dân từ tỉnh ngoài trở về, nhiều ca cộng đồng xuất hiện, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. Trong số 5 ca Covid-19 cộng đồng trong tháng 10, thì có 3 ca bệnh được ghi nhận khởi phát tại buôn Adrơng Điết, có lịch sử dịch tễ từ Bình Dương trở về, 2 ca bệnh tại buôn Kbuôr có lịch sử trở về từ tỉnh Đắk Nông. “Quá trình sàng lọc, bóc tách xác định, nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, chủ yếu từ số công dân từ các tỉnh phía Nam trở về sau đó lây lan ra cộng đồng. Điển hình như 1 ca dương tính buôn Adrơng Điết đi đám tang ở buôn Ea Nho, xã Cư Kpô làm lây lan dịch tại đây”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo báo cáo, đến chiều 12/11, huyện Krông Búk có 702 ca mắc Covid-19, trong đó, 253 ca đang điều trị, 445 trường hợp khỏi bệnh và 4 trường hợp tử vong.

Ông Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk cho biết: Số ca mắc Covid-19 trong những ngày gần đây, hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan đến các trường hợp từ các tỉnh phía Nam trở về, sau đó lây lan ra cộng đồng. Từ đầu tháng 10 đến nay, toàn huyện Krông Búk có 2.924 công dân trở về từ vùng dịch phía Nam. Qua sàng lọc, phân loại đã phát hiện 25 mắc Covid-19 là những công dân trở về từ các tỉnh phía Nam và vùng có dịch. Trong đó, xã Cư Kbô 13 trường hợp, Cư Pơng 5 trường hợp; Ea Ngai 2 trường hợp và Cư Né 5 trường hợp. 

Số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn huyện trong những ngày gần đây chiếm hơn 90% đều có yếu tố dịch tễ từ các tỉnh phía Nam. Từ bài học 2 người dân tại buôn Ea Nho, xã Cư Kbô đi từ Bình Dương về chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, huyện đã siết chặt các chốt kiểm soát, phát huy vai trò các Tổ Covid-19 cộng đồng, kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp đi, về từ vùng dịch đi cách ly y tế theo quy định.

Truy vết F0 trong vùng đồng bào DTTS được ngành Y tế huyện Krông Buk triển khai quyết liệt
Truy vết F0 trong vùng đồng bào DTTS được ngành Y tế huyện Krông Buk triển khai quyết liệt

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh

Để kiểm soát dịch bệnh, nhất là loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng, đến nay, huyện Krông Búk đã thành lập và đưa vào sử dụng 3 cơ sở cách ly tập trung với quy mô 609 giường bệnh. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong điều kiện F0, F1 tăng mạnh, UBND huyện Krông Búk đã chỉ đạo các địa phương lên phương án mỗi xã xây dựng 1 cơ sở cách ly tập trung F1, với quy mô 342 giường bệnh.

Đến nay, huyện Krông Búk đã tiến hành test nhanh kháng nguyên SARS-CoV 2 cho gần 41.000 đối tượng, kết quả có 461 mẫu dương tính. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả 683 mẫu dương tính với SARS-CoV 2.

Theo ông Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Búk, bên cạnh yếu tố dịch tễ là các công dân từ các tỉnh phía Nam, thì huyện Krông Búk giáp ranh với hai địa phương có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng là thị xã Buôn Hồ và Ea H’leo, nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn huyện rất lớn.

Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công dân từ các tỉnh có dịch về địa phương, nhất là những công dân đi về trong ngày để khai báo y tế, cách ly kịp thời; quản lý, giám sát các trường hợp nguy cơ tại đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học không để dịch xâm nhập. Huyện cũng đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đến nay, toàn huyện Krông Buk có trên 45.300 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đạt trên 95%.

Một khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở huyện Krông Búk hiện nay, là đồng bào DTTS không hiểu tiếng phổ thông chiếm tỷ lệ cao. Nhiều người khai tên, tuổi của bản thân sai, nên công tác xác định yếu tố dịch tễ để truy vết gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ lây nhiễm, phát sinh ca bệnh trong vùng đồng bào DTTS rất lớn, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. “Chúng tôi đã xây dựng các phương án và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, phải tập trung đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Ê Đê) để người dân dễ tiếp cận”, ông Thuận chia sẻ.

Không riêng huyện Krông Búk, tình trạng dịch bệnh Covid-19 cũng lây lan nhanh tại thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện khác. Đến chiều ngày 12/11, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 5.872 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2.825 ca đang điều trị, 3.013 đã khỏi bệnh và 34 ca tử vong.

Tin cùng chuyên mục
Khắc phục hậu quả mưa lũ ở Lào Cai: Ưu tiên giải quyết nhà ở cho người dân

Khắc phục hậu quả mưa lũ ở Lào Cai: Ưu tiên giải quyết nhà ở cho người dân

Ảnh hưởng của mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai; hàng nghìn người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất do nhà ở bị sập đổ, ngập lụt. Tại cuộc họp bàn phương án khắc phục thiệt hại sau bão số 3, ổn định đời sống người dân và thúc đẩy các giải pháp khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề nhà ở cho người dân vùng lũ được quan tâm hàng đầu.