Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhiều nghề thủ công truyền thống được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Minh Thu - 20:12, 13/08/2024

Những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam không chỉ là biểu tượng của sự khéo léo và tài năng, mà còn là di sản văn hóa quý giá, được UNESCO công nhận và bảo tồn.

Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú.
Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú

Tỉnh Quảng Ngãi có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) vừa công nhận nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ và nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các nhà khảo cổ, từ 2.000 - 2.500 năm trước, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã sản xuất ra nhiều loại đồ gốm phong phú về loại hình, hoa văn sắc sảo, họa tiết trang trí đa dạng, đạt trình độ cao về kỹ thuật và mỹ thuật; phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Đó là các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa… với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hoá của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm.

Nghề gốm Sa Huỳnh có từ lâu đời, qua thời gian, hiện số hộ dân vẫn giữ nghề làm gốm truyền thống không còn nhiều, chủ yếu và tập trung ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Nơi đây nằm ngay bên cạnh đầm An Khê, cũng chính là cái nôi khai sinh ra Văn hóa Sa Huỳnh. Khác với các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt, gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc, làm thủ công từ 14 đến 24 tiếng. Sự hồi sinh của gốm cổ Sa Huỳnh được đánh dấu bằng việc thành lập HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối tháng 11/2023 với mục đích đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này.

Nghệ nhân trang trí cây nêu.
Nghệ nhân trang trí cây nêu

Cùng với nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, Bộ VH, TT&DL cũng công nhận nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Co, huyện Trà Bồng tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu từ hàng ngàn năm trước và được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc Co.

Cây nêu của người Co thường có ba loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau, cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày Tết Ngã rạ (chừng 10 - 15m). Đặc biệt, phần thân cây nêu được trang trí hoa văn hai màu đen đỏ, tượng trưng cho trời đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Co) và mâm thờ. Bộ Gu chỉ có ở tộc người Co. Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc.

Cùng với bộ Gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào, để bảo vệ cây lúa. Đồng bào Co coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp nên không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.

Nghi lễ dựng cây nêu chỉ có ở người Co. Mỗi khi dựng cây nêu, người Co phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Co với thần linh. Những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu.

Gia đình nghệ nhân ướp trà phường Quảng An, Tây Hồ (Ảnh minh họa).
Gia đình nghệ nhân ướp trà phường Quảng An, Tây Hồ. (Ảnh minh họa)

Nghề ướp trà sen Quảng An trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bằng bí quyết, kinh nghiệm ướp trà sen từ bao đời truyền lại, người Quảng An đã tạo ra phẩm trà quý, có giá trị kinh tế cao, trở thành một nghề thủ công quan trọng của người dân địa phương.

Do khí hậu, nguồn nước và thổ nhưỡng đặc biệt, Hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, có hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp. Sen Hồ Tây luôn đứng ở vị trí đẳng cấp hơn hẳn sen các vùng khác do được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ, dày từ 0,7 đến 1,2m - điều mà hiếm đầm nào có được.

Những bậc cao niên người làng Quảng An chia sẻ rằng họ dùng hoa sen từ Đầm Trị, trong quần thể Hồ Tây để ướp trà. Đây là giống Bách Diệp liên (loại hoa sen trăm cánh), có mùi thơm ngát và giữ hương lâu, được chế biến kỳ công để đảm bảo giữ trọn vẹn hương vị trà truyền thống đặc trưng của đất kinh kỳ. Nghề ướp trà sen Quảng An có hai loại, trà sen bông và trà sen khô. Hiện, trà sen Tây Hồ luôn nằm trong danh sách đặc sản được du khách yêu thích khi du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch miền Bắc nói chung.

Việc trà sen trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là động lực để những người lưu giữ nghề truyền thống ướp trà sen Tây Hồ tiếp tục lưu giữ những gì tinh hoa nhất, thanh tao nhất trong nét đẹp văn hóa tại mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.


Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.