Cụ thể hóa trong thực hiện tốt chủ trương
Ông Trần Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, sự hướng dẫn nhiệt tình của các phòng, ban Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và sự phối hợp giữa các ban, ngành thị xã, Đảng ủy – UBND các xã, phường, đã tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thực hiện trong thực hiện chính sách dân tộc, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thị ủy Vĩnh Châu đã chủ động tham mưu xây dựng nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, kịp thời triển khai nghiêm túc và có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, trong đó có Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Theo ông Trần Văn Thanh, trong năm 2024, với 4.409 lao động tại các cơ sở và công ty trong và ngoài thị xã được đào tạo, truyền nghề, kèm cặp nghề (trong đó: khai giảng khai giảng 85 lớp dạy nghề với tổng số 1.377 học viên tham gia) và 3.680 người được tư vấn, giới thiệu việc làm và tự tìm việc làm, là những con số khẳng định được hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
“Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đồng bào DTTS, đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS với bình quân chung của tỉnh và thị xã; giảm dần số ấp đặc biệt khó khăn…”, ông Trần Văn Thanh cho hay.
Người dân thụ hưởng
Vui mừng vì được đào tạo kiến thức về nghề chăn nuôi, ông Kim Đặng (trú tại khóm 7. phường 1, thị xã Vĩnh Châu), cho biết, trước đây gia đình ông khó khăn, kiến thức không có, lại không có đất sản xuất, gia đình chỉ trông vào việc đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bây giờ được đào tạo nghề chăn nuôi, ông cũng có thêm hướng đi để phát triển kinh tế.
Phấn khởi hơn là gia đình ông Đặng cũng vừa được hỗ trợ bò giống sinh sản đến từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Đây sẽ là “nguồn vốn” cho gia đình ông thoát nghèo.
"Được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, lại được cấp bò giống, bà con ở vùng đồng bào Khmer chúng tôi vui mừng lắm. Chỉ có Nhà nước mình mới lo cho dân như vậy thôi", ông Kim Đặng hào hứng.
Tác nghiệp tại vùng đồng bào DTTS được hưởng lợi từ Tiểu dự án 3, chúng tôi không khó để bắt gặp những gương mặt rạng rỡ của bà con khi được hỗ trợ nắm trong tay “cần câu” để vươn lên.
Tháng 9 vừa qua, ông Thạch Đẹl (trú tại phường 1) cũng được đi đào tạo nghề chăn nuôi và được cấp bò giống sinh sản. Áp dụng được các kiến thức đã học và dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ, bò của gia đình ông hiện tại đã mang bầu, đi theo đó là kỳ vọng về một nguồn thu nhập lớn.
Chia sẻ niềm vui của mình, ông Thạch Đẹl cho biết: "Tôi rất mừng vì gia đình tôi được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng chăm sóc và gây đàn để tăng số lượng bò sinh sản cho gia đình”.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Vĩnh Châu, nhấn mạnh: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ đạt hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; trọng tâm là thực hiện Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, để đẩy mạnh hơn công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS, góp phần tạo đà nâng cao đời sống của bà con và cũng là tiền đề cho Vĩnh Châu phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.
Đặc biệt, thị xã Vĩnh Châu tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.