Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, xây dựng vườn mẫu là một trong những giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn; góp phân nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả xây dựng NTM.
Xây dựng vườn mẫu có tính khả thi cao do mức đầu tư không lớn, các giải pháp khoa học - kỹ thuật phần lớn là giải pháp thông thường đã vận hành ở nông thôn. Chẳng hạn, đầu tư làm hàng rào cây xanh quanh khuôn viên, sắp xếp lại các công trình phụ trong khuôn viên hộ, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi dùng đệm lót sinh học giảm mùi hôi thối, dùng thuốc trừ sâu sinh học, bả sinh học để phòng trừ sâu bệnh...
Nhưng xây dựng vườn mẫu trong NTM cũng có những khó khăn rất đặc thù. Đặc biệt, nhiều địa phương đang phải loay hoay với chỉ tiêu về diện tích khi vườn mẫu phải bảo đảm diện tích từ 500m2 trở lên; nhưng trong thực tế để có diện tích vườn từ 500m2 trở lên không nhiều.
Hơn nữa, nếu hộ có vườn bảo đảm được diện tích thì việc phá vỡ vườn tạp để trồng theo quy hoạch cũng không dễ. Lâu nay, người dân, nhất là người dân miền núi, cứ có đất là trồng bất cứ loại cây gì, không theo quy hoạch. Đó là chưa kể, để có được vườn mẫu thì người dân phải đầu tư, tạo giá trị thu nhập, tạo cảnh quan môi trường,...
Vậy nên, sẽ cần hơn nữa những giải pháp sát sườn hơn, phù hợp hơn với từng đặc thù của mỗi địa phương để tiêu chí vườn mẫu được thực hiện hiệu quả, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương)