Việc xây dựng NTM thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo nông thôn; tuy nhiên vẫn có không ít địa phương đã rơi vào tình trạng “đô thị hóa”, nhiều vùng quê đã không còn dáng dấp yên bình xưa cũ. Trong xây dựng NTM, xây dựng cơ sở hạ tầng: đường sá, cầu cống, trường học, cổng làng, nhà văn hóa... gần như được xem là tiêu chí hàng đầu.
Việc bê tông hóa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở nông thôn không có lỗi; điều quan trọng là tầm nhìn của lãnh đạo địa phương trong quá trình thực hiện, phải xác định xây dựng NTM là làm cuộc “cách mạng xanh”. Tức là, hiện đại hóa nông thôn để nâng cao chất lượng sống cho người dân nhưng vẫn giữ được sắc thái của nông thôn, khác với các đô thị.
Xem qua nhiệm vụ này là rất khó thực hiện, nhưng không phải không làm được. Như TP. Long Khánh, một trong những vùng đô thị dẫn đầu về thành tích xây dựng NTM của tỉnh Đồng Nai. Nét nổi bật trong xây dựng NTM của địa phương này là đạt thành quả cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của TP. Long Khánh đạt gần 62 triệu đồng/người/năm. Hiện các xã còn lại của thành phố đều đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành phố vẫn luôn nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn qua việc không ngừng nâng cao thu nhập của nông dân, cũng như giữ môi trường xanh cho vùng nông thôn bằng việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sạch, gắn với nhân rộng mô hình du lịch phục vụ cho khu đô thị…
(Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng điều phối NTM Trung ương).