Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều dự án 30a ở các huyện miền núi Thanh Hóa quá chậm tiến độ: Không thể đổ hết lỗi do khách quan

Quỳnh Chi - 22:34, 07/09/2020

Thanh Hóa có 7 huyện miền núi nghèo gồm Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân (Như Xuân đã thoát huyện nghèo năm 2018). Năm 2020, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình 30a tại các huyện này quá chậm, dẫn đến nguy cơ có thể không phát huy được nguồn vốn.

Nguồn vốn 30a là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi. Trong ảnh: Cầu Chiêng Nưa, một trong những Dự án 30 a ở huyện Mường Lát giải ngân chậm.
Nguồn vốn 30a là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi. Trong ảnh: Cầu Chiêng Nưa, một trong những Dự án 30 a ở huyện Mường Lát giải ngân chậm.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa, năm 2020, tổng nguồn vốn được giao chi tiết cho các dự án thuộc các tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a là trên 502 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2020 là 368,4 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2020 là 133,7 tỷ đồng.

Đây là nguồn lực rất quan trọng đầu tư cho phát triển hạ tầng khu vực các huyện miền núi khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 4 trong số 23 dự án trong kế hoạch năm 2020 lựa chọn được nhà thầu thi công. Tính đến tháng 8/2020, số nguồn vốn được giải ngân mới là 68,8 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả tỉnh (tiến độ giải ngân chung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 60,5%). Các huyện đạt tỷ lệ giải ngân đặc biệt thấp là Lang Chánh (3,6%), Bá Thước (3%)…

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, tiến độ thực hiện và giải ngân đến thời điểm này quá chậm, là nguy cơ có thể gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Vì theo quy định, đến hết năm tài chính nếu không giải ngân theo kế hoạch, nguồn vốn tồn đọng sẽ phải điều chuyển về Trung ương.

Các ngành, địa phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, là một số văn bản hướng dẫn thi hành luật đầu tư công chậm được ban hành; các văn bản quy phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chồng chéo, bất cập ảnh hưởng đến quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án; các bước trong công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài. Ngoài ra, do trình độ năng lực tổ chức thực hiện của các huyện hạn chế.

Nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền, ngoài nguyên nhân khách quan, thì trên hết vẫn do nguyên nhân chủ quan. Cụ thể là do khả năng tổ chức triển khai của các huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, các huyện không chủ động đề xuất với tỉnh để giải quyết kịp thời.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, các ngành và địa phương liên quan cần tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế từ khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, các huyện cần khẩn trương rà soát lại, bố trí người có năng lực chuyên môn để đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, nhưng phải bảo đảm chất lượng các công trình. Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục giải ngân sớm nhất số vốn được giao, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Để tìm giải pháp khắc phục tình trạng chậm trễ các dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng UBND tỉnh bố trí lịch, thành lập đoàn kiểm tra các dự án tại các huyện trong tháng 9/2020 nhằm nắm bắt tình hình thực tế.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.