Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhiều điểm trường ở huyện miền núi Ba Chẽ bị bỏ hoang

Mỹ Dung - 09:09, 11/10/2023

Là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, Ba Chẽ có khá nhiều điểm trường lẻ, nằm rải rác tại các thôn, bản khó khăn cách xa trung tâm. Từ năm 2013, huyện Ba Chẽ đã thực hiện việc dồn ghép đưa học sinh các điểm trường gần về học tại trường chính, dồn ghép các điểm trường lẻ ở xa trung tâm gần nhau theo chủ trương của ngành giáo dục Quảng Ninh dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường bị bỏ hoang mà chưa được cơ quan chức năng liên quan quan tâm xử lý.

Điểm trường mầm non Khe Sâu, thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ dù gần ngay cạnh đường lớn nhưng đã bị bỏ hoang vài năm nay
Điểm trường mầm non Khe Sâu, thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn, ở gần đường lớn nhưng đã bị bỏ hoang vài năm nay

Nhiều điểm trường bị bỏ hoang, xuống cấp

Nằm gần ngay cạnh đường lớn, điểm Trường Mầm non Khe Sâu, xã Nam Sơn từng được đầu tư xây dựng khá khang trang. Nhưng sau nhiều năm để không, nơi đây nay cũng rơi vào tình trạng bỏ hoang, các hạng mục bắt đầu xuống cấp...

Anh H.V.T, thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn xót xa cho biết: "Điểm trường này rất gần quốc lộ nhưng do bị bỏ hoang lâu lắm rồi nên cỏ mọc um tùm luôn. Cửa thì mục nát, xuống cấp nhiều rồi. Tôi nghĩ nếu không còn là điểm trường, thì sao không phục vụ mục đích khác có phải đỡ lãng phí kinh phí đầu tư và quỹ đất hơn nhiều không".

Tương tự, điểm trường Khe Pụt (thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn)  được đưa vào sử dụng từ năm 2012, với 2 dãy nhà cấp 4, có khoảng hơn 20 học sinh theo học. Đến năm 2022, thực hiện việc dồn ghép toàn bộ số học sinh này chuyển sang điểm trường chính học bán trú. Hiện tại, một dãy nhà được sơn sửa cho một đơn vị trồng rừng, thuê làm văn phòng. Dãy nhà còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng, trần nhà đã không còn, mái nhà dột, tường nứt mốc ẩm.

Trao đổi với Phó Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Sơn Đoàn Văn Tằng được biết, trên địa bàn xã còn 6 điểm trường dôi dư, do không còn hoạt động nên cơ sở vật chất cũng dần xuống cấp.

"Thời gian tới, chúng tôi mong tỉnh, huyện sớm quan tâm thực hiện việc chuyển đổi mục đích của các điểm trường này, có thể giao cho xã quản lý sử dụng thành các thiết chế văn hoá phục vụ Nhân dân", ông Tằng chia sẻ thêm.

Đây cũng là tình trạng của không ít thôn, xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Trên thực tế, các điểm trường hầu như đều đang bị bỏ hoang, không có học sinh, cũng không được quan tâm dọn dẹp nên đang dần “hoang hóa”, xuống cấp trông thấy.

Thực hiện theo chủ trương sát nhập, huyện Ba Chẽ đã giảm 1 trường, 22 điểm trường và 52 lớp. Song, việc xử lý 22 điểm trường dôi dư sau dồn ghép trên địa bàn vẫn chưa có hướng giải quyết. Nhiều điểm trường cũ đang bị bỏ hoang và dần xuống cấp, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây lãng phí tài sản công.

Cần có giải pháp xử lý 

Do bị bỏ hoang nhiều năm, nhiều điểm trường đã bị xuống cấp
Do bị bỏ hoang nhiều năm, nhiều điểm trường đã bị xuống cấp

Mặc dù nhiều điểm trường được các thôn, khu..., đề xuất xin để mở rộng khuôn viên nhà văn hoá liền kề hay làm khu vui chơi, như điểm trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (khu 5, thị trấn Ba Chẽ), song cũng chưa được giải quyết vì vướng pháp lý. Người dân chỉ biết xót xa nhìn các điểm trường bị “hoang hóa” qua từng ngày.

Để giải quyết thực tế này, gần đây nhất, ngày 19/5/2023, UBND huyện Ba Chẽ đã có văn bản gửi Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh về việc, đề xuất bổ sung cơ sở nhà, đất đủ điều kiện pháp lý, sắp xếp xử lý tại các nơi không có nhu cầu sử dụng, trong đó có danh sách cụ thể các điểm trường dôi dư. Tuy nhiên, câu trả lời chính thức vẫn chưa có.

Trao đổi với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ, được biết mặc dù Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Chẽ, cũng như huyện Ba Chẽ đã có nhiều văn bản, đề xuất cấp có thẩm quyền liên quan, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Huyện Ba Chẽ cũng đã tập hợp, bổ sung danh sách các điểm trường trình tỉnh, hiện phải chờ ý kiến của tỉnh về giải pháp xử lý chung cho các điểm trường đang bị bỏ hoang, cũng như việc sử dụng nguồn quỹ đất ở những điểm trường này. Vì ngoài Ba Chẽ, trên địa bàn toàn tỉnh cũng có khá nhiều điểm trường bị bỏ hoang”, bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ nhấn mạnh.

Trước thực tế này, chính quyền và người dân huyện Ba Chẽ mong muốn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị chức năng liên quan cần sớm có hướng dẫn, phương án phù hợp để chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình điểm trường bị bỏ hoang, không được sử dụng trên địa bàn huyện, tránh lãng phí quỹ đất và kinh phí đầu tư của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.