Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhiều cái thiếu ở làng Tranh

Lê Phương - 15:11, 12/08/2020

Đã chuẩn bị bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, thế nhưng cuộc sống của người dân làng Tranh, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) vẫn không điện, không đường, không nước sạch... chủ yếu dựa vào rừng, tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, mà làng Tranh còn có tên là “làng hái lượm”.

Thu nhập của người dân làng Tranh phụ thuộc vào cây mây
Thu nhập của người dân làng Tranh phụ thuộc vào cây mây

Làng nhiều không

Làng Tranh cách trung tâm xã Long Sơn khoảng 20 cây số, nhưng muốn đến được nơi đây phải băng rừng, lội suối. Sau hơn 1 giờ vật lộn với đoạn đường đầy đá sỏi hiểm trở, chúng tôi đi vào dưới những tán rừng tự nhiên, nơi lối đi như lòng suối khô cạn đầy đá to nhấp nhô. 

Hành trình càng lúc càng trở nên gian nan, khi lối đi ngày càng hẹp dần, chỉ vừa đủ lọt chiếc xe máy và độ khó của những con dốc cứ tăng dần. Cứ thế, chúng tôi “bám lưng con ngựa sắt”, vượt qua nhiều con dốc dựng đứng và sau 3 giờ đồng hồ cũng đến được “Làng hái lượm”.

Làng Tranh có 9 hộ, với 50 nhân khẩu là người Hrê. Ngay từ đầu làng là nhà của anh Đinh Văn Cư. Thấy chúng tôi, anh Cư niềm nở: “Nghe tiếng xe là biết ngay có cán bộ lên thăm bà con, chứ làm gì có ai biết đường mà vào tận đây. Mấy ngày này người ở xóm dưới lên đây hái sim, nhưng vài ba ngày mới có chuyến. Vì chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm chiếc xe máy hóa vô dụng rồi”.

Đây mới là đầu làng, để đến được khu có đông nhà nhất, phải đi tiếp 3 cây số nữa. Gặp anh Đinh Văn Dố, chúng tôi hỏi thăm về đời sống của bà con trong làng. Anh Dố cho biết: Đồng bào trên này dùng điện chạy bằng sức nước, Tuabin đặt ngoài suối, chỉ đủ để thắp sáng. Còn Tivi hay điện thoại ở đây là thứ gì đó xa xỉ lắm! Bà con đói thông tin, nên nghèo mãi. 

“Cực nhất là lúc ốm đau, có ca sinh đẻ khó phải nhờ người khiêng ra xã. Không có sóng điện thoại nên cũng không thể gọi người đến giúp”, anh Dố kể với ánh mắt đầy ưu tư.

Đường sá trắc trở, nơi rừng phòng hộ nên không được trồng và khai thác keo. Cuộc sống phụ thuộc vào cây mây rừng. Không có cây mây, thì dân làng chẳng biết kiếm sống bằng gì. Chăm chỉ lắm mỗi ngày mỗi người cũng khai thác được tầm vài trăm cân mây, với giá bán 5.000 đồng/kg như hiện nay cũng chỉ đủ tiền lo cho con trẻ. 

“Mấy năm nay khai thác cũng gần hết, những cánh rừng xa khuất nhất cũng dần vắng bóng cây mây. Sắp tới nếu hết mây, chúng tôi cũng chưa biết làm gì kiếm tiền”, anh Đinh Văn Mang, một người dân trong làng thở dài nói.

Ước mơ của làng

Theo cụ Đinh Thị Mái (78 tuổi), người lớn tuổi nhất làng, ở đây có gì ăn đó, bữa nào thiếu thì lên rừng kiếm rau quả về ăn qua ngày. Lâu lâu mới có người ra xã, ai cần mua gì thì nhờ mua hộ luôn, còn cái mặc thì thỉnh thoảng có cán bộ dưới xuôi lên cho. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền khuyến khích bà con trồng lúa nước để cải thiện lương thực, nhưng diện tích chỉ có 1ha nên chẳng thấm vào đâu.

Điều đáng quý nơi đây, dù khan hiếm đất canh tác, dù đói nghèo diễn ra triền miên, nhưng 100% hộ dân đều tự nguyện giữ rừng, không vì cái ăn mà khiến rừng “chảy máu”. Người làng quan niệm sâu sắc rằng, rừng là tài sản vô giá đem lại nhiều lợi ích, nên “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Để minh chứng, anh Đinh Văn Cư dẫn chúng tôi đi xem thành quả mà bao năm qua các hộ dân đã một lòng chung sức bảo vệ. Những cây gỗ chò, gỗ xoan cả trăm năm tuổi cùng nhiều cây gỗ quý khác vẫn luôn xanh tươi, phát triển tốt ngay cạnh nơi người dân sinh sống. Nhiều cây 2 - 3 người ôm không xuể, sừng sững cùng thời gian, thách thức cả sự khắc nghiệt nhất nơi miền đất khó. 

“Rừng đã ban tặng sự sống, để các hộ dân tựa vào mà sinh tồn. Rừng là cha, là mẹ, nếu không bảo vệ nghiêm ngặt, rừng cũng chẳng ôm ấp, chở che lấy mình”, anh Cư nhấn mạnh.

Cách đây khoảng 10 năm, chính quyền địa phương đã từng có phương án di dời người dân xuống vị trí thuận lợi, có quỹ đất để định cư. Thế nhưng, giải pháp thời đó và nhiều lần sau này vẫn chưa đủ sức thuyết phục người dân. Đây cũng là thách thức lớn cho chính quyền.

Nhớ lại ngày ấy, nhiều cán bộ địa phương vẫn không quên cảnh vất vả “bò” lên đến làng đi vận động, cùng ăn, cùng ở với dân làng. Chính ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Minh Long đến giờ vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm khi về “làng hái lượm”.

“Vào tới nơi, bà con bỏ trốn hết vì sợ người lạ. Phần vì chỉ có đất định cư, mà không có đất sản xuất, phần vì họ vẫn lưu luyến cánh rừng, con suối ở làng Tranh nên không chịu xuống núi. Sau những lần như vậy, chính quyền đành bỏ cuộc. Kế hoạch di dời người dân đành bỏ lỡ...”, ông Tiến chia sẻ.

Nhưng nay tư duy của người làng Tranh đã khác. Giờ nguyện vọng của bà con là mong muốn được thoát khỏi cảnh “biệt lập” này. Bởi lẽ, họ hiểu sẽ chẳng có con đường bê tông, đường điện nào chạy đến làng để thắp sáng thôn, xóm. Chính quyền cũng không thể hỗ trợ mỗi ngày. Nếu cứ tiếp tục sống như vậy thì sẽ mãi mãi đói nghèo. Cái cần lúc này là một hướng đi đúng, kèm theo phương án di dời hiệu quả của chính quyền địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.