Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhật ký thăm hộ

Nguyễn Thanh - 19:22, 12/01/2021

Mới chỉ lần giở những cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận mà Hội LHPN Yên Thành (Nghệ An) gọi là nhật ký thăm hộ; tôi đã hiểu rõ những cuộc đời, hoàn cảnh, số phận của mỗi hội viên dẫu chưa một lần giáp mặt. Và tôi còn bất ngờ hơn, khi cuốn sổ ấy còn như một thời khóa biểu nhắc việc để những người làm công tác hội “không quên” nhiệm vụ thăm hộ, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; kịp thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc với chị em hội viên.

Cán bộ hội LHPN huyện Yên Thành kiểm tra “nhật ký thăm hộ” tại xã Đô Thành
Cán bộ hội LHPN huyện Yên Thành kiểm tra “nhật ký thăm hộ” tại xã Đô Thành

“Chị em gái như trái cau non”

Không hiểu sao, khi chứng kiến những cuộc “thăm hộ” của những người cán bộ Hội Phụ nữ xã với các chị em hội viên ở thôn xóm, bất giác tôi nghĩ đến điều ấy. Chẳng còn khoảng cách, chẳng còn e ngại giữa hai người xa lạ, mà ở đó chỉ có sự tỉ tê, tâm tình của hai người phụ nữ có cùng thiên chức làm mẹ, làm vợ…

Chị Phan Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Thành, huyện Yên Thành tâm sự: “Không có khoảng cách đâu. Chúng tôi và mỗi hội viên đều coi nhau như chị em gái trong nhà nên tất cả mỗi chuyện đều được sẻ chia, tâm tình. Những lần xuống cơ sở, thăm các hộ hội viên đã giúp chúng tôi có cái nhìn khác hơn, thấu hiểu, sẻ chia với cuộc sống các chị em hội viên hơn”.

Vừa trò chuyện, chị Thúy vừa lần giở cuốn sổ nhật ký thăm hộ, rồi chỉ vào từng hộ hội viên. Tôi lướt qua và rất đỗi ngạc nhiên khi mỗi hộ hội viên là một bản trích ngang không thể đầy đủ hơn. Và rồi, tôi đã dừng lại, rồi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Giang (SN 1983) ở xóm Trung Hồng, xã Nhân Thành, để hiểu thêm về hoàn cảnh gia đình. Hai vợ chồng chị Giang sức khỏe không tốt, đau yếu quanh năm. Cuộc sống của gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng và nghề thả trúm lươn của chồng. 

Tâm sự với tôi, chị Giang nhỏ nhẹ: “Nhiều lúc gia đình tôi khó khăn cùng cực tưởng không vượt qua được. Chính sự chia sẻ, đùm bọc của bà con làng xóm, đặc biệt là các cấp hội phụ nữ, đã giúp cho gia đình tôi có thêm động lực để vượt khó. Những giai đoạn tôi phải nằm viện, hội đã kêu gọi chị em đi cấy lúa, làm việc nhà giúp và còn hỗ trợ gia đình hàng chục triệu đồng, nghĩa cử ấy, tôi không bao giờ quên…”.

Ban đầu, chỉ một vài xã được giao làm thử nghiệm, nay, tất cả các xã thị trấn của huyện Yên Thành đã đồng loạt thực hiện nhật ký thăm hộ, coi đây là hoạt động định kỳ của công tác hội. Sau mỗi lần “thăm hộ”, các chị em trong Hội Phụ nữ các xã đã ghi chép tỉ mỉ về hoàn cảnh, số phận, những khó khăn của mỗi hội viên vào cuốn sổ nhật ký để theo dõi. Từ đó, những vướng mắc, khó khăn của các chị em hội viên đã phần nào kịp thời được giải quyết.

“Từ việc thường xuyên thăm hộ, các chi hội đã có kế hoạch giúp đỡ phù hợp theo năng lực như, thu gom phế liệu bán lấy kinh phí hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ học và làm nghề mây, tre đan xuất khẩu để nâng cao thu nhập…”, chị Phan Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đô Thành chia sẻ.

Việc thăm hộ thường xuyên đã tạo mối gắn kết thân tình, gần gũi giữa cán bộ hội và hội viên. Từ mô hình “Nhật ký thăm hộ”, mỗi tháng mỗi cán bộ các cấp đã thăm ít nhất 5 hộ hội viên. Chị Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành bộc bạch: “Đối với cán bộ hội phụ nữ ở cơ sở, việc đến thăm hỏi gia đình hội viên đã trở thành một thói quen đi vào nề nếp. Cũng nhờ vậy, tình cảm của cán bộ, hội viên trở nên khăng khít bền chặt. Cũng nhờ vậy, hoạt động hội đã trở nên hiệu quả hơn”.

“Tác phong làm việc đã thay đổi”

Đó không chỉ là những chia sẻ, mà còn là thực tế hiện tại ở mỗi cán bộ hội LHPN các cấp ở Yên Thành. Bởi, từ “thăm hộ”, từ trực tiếp lắng nghe tâm tư, tình cảm của hội viên đã khiến những cán bộ hội phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Từ “thăm hộ”, nhiều chị em hội viên đã được học nghề để vươn lên trong cuộc sống
Từ “thăm hộ”, nhiều chị em hội viên đã được học nghề để vươn lên trong cuộc sống

“Việc xây dựng và triển khai kế hoạch định kỳ thăm hộ, trực tiếp tiếp xúc với hội viên giúp cán bộ hội sáng tạo hơn trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động nắm bắt, xử lý vấn đề ngay ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, nhất là hội viên hoàn cảnh khó khăn”, chị Phan Thị Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Thành kể.

Qua mô hình “Nhật ký thăm hộ”, phong cách, lề lối làm việc của các cấp hội phụ nữ ở đây đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều đơn vị đã có những cách làm sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ tạo “điểm tựa” cho hội viên vươn lên trong cuộc sống. Từ “thăm hộ”, những mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới, trong nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc của các chị em hội viên đã được nêu gương, lan tỏa cho mỗi người học theo.

Định kỳ “thăm hộ”, thăm cơ sở không chỉ dần khắc phục được căn bệnh hình thức, xây dựng hình ảnh cán bộ hội phụ nữ có tinh thần trách nhiệm, sâu sát với thực tiễn mà còn đảm bảo những trường hợp phụ nữ khó khăn, yếu thế đều được quan tâm, giúp đỡ “không để hội viên nào bị bỏ lại phía sau”.

Theo chị Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Thành, Hội đã xây dựng mô hình “Nhật ký thăm hộ” từ năm 2017. Mục đích là hướng nhiều hơn về cơ sở, chăm lo quyền lợi cho hội viên nhằm cải tiến lề lối làm việc của cán bộ theo phong cách gần dân, sát cơ sở. HIệu quả từ cách làm này là, đã làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm; trau dồi các kỹ năng tuyên truyền, vận động và xử lý tình huống cho cán bộ hội; khắc phục tình trạng làm việc hành chính, báo cáo ảo, không sát thực tế . 

Bên cạnh đó, cán bộ hội đã phân loại, nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh để có kế hoạch giúp đỡ hội viên nghèo, hội viện yếu thế; xây dựng, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay ở cơ sở, tạo mối quan hệ, tình cảm gắn kết giữa cán bộ và hội viên, hướng hội viên gắn bó với tổ chức hội…” 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.