Anh Trần Xuân Tư ở Bản Ón, xã Thượng Hóa đã nhiều năm nay luôn có thu nhập ổn định nhờ phát triển trang trại tổng hợp gồm: trồng rừng, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà và làm dịch vụ. Nhưng thu nhập thường xuyên và cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán đó là đàn lợn bản.
Tận dụng diện tích đất vườn, anh dùng lưới sắt khoanh vùng và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Anh Tư là ông chủ đầu tiên nuôi lợn rừng của huyện Minh Hóa. Hiện nay, bình quân mỗi năm anh duy trì 5-7 lợn nái, trên 50 con lợn thịt. Gia trại của anh chủ yếu bán giống cho bà con trên địa bàn huyện và xuất bán lợn thịt trong các dịp Tết. Thu nhập từ mô hình nuôi lợn rừng mỗi năm từ 50-70 triệu đồng.
Tại bản Hưng, xã Trọng Hóa, chị Hồ Thị Thanh là một phụ nữ có tiếng trong chăn nuôi lợn bản, thu nhập từ nuôi lợn có năm đạt 100 triệu đồng. Chị Thanh cho biết: Hiện 1kg lợn hơi bản địa dao động từ 100.000-120.000 đồng. Vừa qua, chị Thanh đã xuất chuồng 8 con lợn bản, mỗi con giá bình quân 2,5 triệu đồng thu về 20 triệu đồng, hiện chị đang còn 8 con, mỗi con có trọng lượng hơn 20kg, số lợn này cũng đã được khách hàng đặt mua.
Tháng 7 năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết nuôi lợn bản. Thực hiện mô hình này, Trạm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông–Khuyến ngư tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 30 hộ dân và bước đầu hỗ trợ cho 04 hộ để làm mô hình, trong đó có 2 hộ ở xã Hóa Hợp, nơi có điều kiện thuận lợi về địa hình và 02 hộ ở thị trấn Quy Đạt.
Đồng thời, mỗi hộ được hỗ trợ 20 con lợn bản và một phần chi phí về thức ăn, thuốc thú y... Sau gần 5 tháng nuôi, từ trọng lượng bình quân ban đầu 6-8kg, lợn đã tăng trọng lên từ 19–28kg. Nếu hạch toán kinh tế đến khi xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng 35kg và bán được trên 3 triệu đồng, thu lãi trên 1.200.000 đồng.
Anh Nguyễn Thành Lương, một hộ được chọn làm mô hình chia sẻ: Gia đình tôi hiện cũng đang nuôi lợn bản, khi được dự án hỗ trợ con giống tôi rất phấn khởi và tuân thủ theo sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trạm Khuyến nông, tôi thấy nuôi lợn bản rất đơn giản, chi phí thức ăn thấp vì lợn chỉ ăn chuối rừng, lá rừng, chỉ cần trộn thêm ít bột ngô, cám gạo. Dù lợn tăng trọng chậm, kéo dài thời gian xuất chuồng, nhưng bù lại chất lượng thịt đảm bảo và được người tiêu dùng ưa chuộng. Gia đình tôi không lo về đầu ra vì năm nào cũng không đủ số lượng lợn để bán cho thương lái và các nhà hàng trên địa bàn huyện. Hiện gia đình anh Lương đang nuôi trên 50 con lợn bản, trong đó có 03 lợn nái đang thời kỳ sinh đẻ.
Mặc dù nuôi lợn bản giá trị kinh tế cao, song vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, cùng với đó diện tích nuôi phải rộng. Để phát triển nuôi lợn bản thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, huyện Minh Hóa cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với các nhà hàng, quán ăn để đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm lợn bản địa trên địa bàn huyện.
THÙY LINH