Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhân rộng mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng: Giải quyết nhu cầu thực phẩm đủ dinh dưỡng sau thiên tai

Vân Khánh - CĐ - 14:23, 01/12/2021

Dưới tác động của thiên tai, nguy cơ gia tăng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD), đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm sau thiên tai, đòi hỏi phải có những mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ, đáp ứng đủ chất dinh dưỡng.

 UNICEF và Viện Dinh dưỡng quốc gia khám sàng lọc để khảo sát tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em sau lũ lụt tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh TL
UNICEF và Viện Dinh dưỡng quốc gia khám sàng lọc để khảo sát tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em sau lũ lụt tại huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh TL

Hệ lụy tiềm ẩn sau thiên tai

Cuối tháng 10, tuần đầu tháng 11/2021, khu vực miền Trung lại chìm trong mưa lũ; nhiều địa phương bị cô lập cục bộ. Chỉ riêng ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nước lũ dâng cao gây ngập sâu hơn 1.000 hộ dân; nhiều hộ gia đình ở các xã Hành Dũng, Hành Nhân và thị trấn Chợ Chùa ngập sâu trong lũ từ 0,5m đến hơn 1m.

Cũng thời điểm này năm 2020, miền Trung cũng đối diện “lũ chồng lũ”. Cùng với đó là nhiều loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, như lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đi qua, để lại nhà cửa bị tàn phá, mùa màng và sinh kế bị phá hủy, cơ sở hạ tầng bị hư hại… Ngoài ra, thiên tai đi qua còn để lại rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ.

Kết quả khảo sát mới đây, tại 5 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau đợt mưa lũ cuối năm 2020 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), phối hợp cùng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, có hàng triệu gia đình ở khu vực miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe sau lũ lụt. Đặc biệt là tình trạng vệ sinh kém, không có nước sạch khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng ở các địa phương vùng lũ.

Theo ông Lý Phát Việt Linh, chuyên gia về cứu trợ khẩn cấp của UNICEF, người dân không có nước sinh hoạt, nhà vệ sinh bị chìm dưới nước. Điều kiện vệ sinh yếu kém làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy và các bệnh phụ khoa.

Đáng lo ngại nhất ở các địa phương sau lũ lụt, là tình trạng thiếu thực phẩm, dẫn đến thiếu đói và SDD. Ngoài ra, lũ lụt không những làm cho môi trường bị ô nhiễm mà còn là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát sinh, gây bệnh, gây ô nhiễm làm hư hỏng thực phẩm.

Theo khảo sát của UNICEF và Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tại 5 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ cuối năm 2020 có tới 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển; trong đó đã xác định được hơn 4.700 trẻ em bị SDD cấp tính ở miền Trung kể từ tháng 12/2020.

Chỉ tính riêng tại xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), kết quả sơ bộ cho thấy, 20% trẻ em dưới 5 tuổi ở đây bị SDD. Tình trạng SDD ở trẻ em thường tăng cao trong vài tuần sau khi thiên tai xảy ra. Vì vậy dự kiến ​​sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp khác trong khu vực chịu nhiều thiên tai trong tháng tới.

Bảo đảm sinh kế gắn với dinh dưỡng

Thực tế cho thấy, sau thiên tai, có một vòng xoắn kép tác động trực tiếp tới sức khỏe của trẻ nhỏ ở vùng lũ, đó là tình trạng SDD và bệnh tật. Sau thời gian ngập lụt, nguồn thực phẩm bị thiếu hụt, khiến trẻ bị đói dài ngày. Lúc này sức đề kháng của trẻ suy giảm, dễ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp. Do nhiều bệnh lý tác động, trẻ có nguy cơ bị SDD.

Khôi phục vườn rau sau lũ vừa cải thiện sinh kế, vừa đáp ứng nhu cầu về vi chất dinh dưỡng trong những bữa ăn. (Ảnh minh họa)
Khôi phục vườn rau sau lũ vừa cải thiện sinh kế, vừa đáp ứng nhu cầu về vi chất dinh dưỡng trong những bữa ăn. (Ảnh minh họa)

Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong và sau mưa bão có thể bị thiếu đói do thiếu lương thực, thực phẩm. Cùng với nguồn lực của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân thì người dân vùng lũ cần sớm bắt tay vào khôi phục sản xuất, trước mắt là đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân, để không bị đứt bữa.

Để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, sau thiên tai, người dân nên lựa chọn các cây con giống ngắn ngày, phát triển mô hình trồng trọt và chăn nuôi (VAC) để có nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng giúp cải thiện chất lượng bữa ăn. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, với yêu cầu phát triển của lứa tuổi thì phải đáp ứng đủ số lượng, đủ số lần và đa dạng thực phẩm. Điều này càng khẳng định thêm tầm quan trọng của mô hình sản xuất, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của các gia đinh vùng lũ.

Ở một góc độ nhất định, khuyến cáo của BS. Nguyễn Văn Tiến cũng chính là mục tiêu của các mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng trong khuôn khổ Chương trình “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Từ năm 2019 đến nay, đã có 19 mô hình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thí điểm thực hiện ở các địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao tại 28 tỉnh.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết: Triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025, Cục đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương liên quan thí điểm nhiều dự án nông nghiệp dinh dưỡng; như mô hình nuôi gà thịt, đẻ trứng kết hợp với trồng rau xanh… Các mô hình này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm như thịt, trứng, các vitamin thiết yếu từ các loại rau xanh cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em.

“Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương. Việc triển khai thực hiện sẽ có 2 cấp độ: đầu tiên là xây dựng các mô hình để lấy làm cơ sở để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; thứ hai là tuyên truyền, mở rộng các mô hình này”, ông Thịnh cho biết thêm.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% vẫn còn ở mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là người DTTS vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15%); tại 10 tỉnh có tỷ lệ trẻ SDD thể cấp còi cao nhất cả nước thì 60% trẻ là người DTTS.


Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.