Đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp
Tại xã Ia Nhin, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng cây dưa lưới trong nhà màng. Ông Phan Văn Nguyên (61 tuổi, thôn Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, Gia Lai) là người khởi đầu cho mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn. Hiện ông Nguyên đang sở hữu 4 nhà màng, với diện tích 4.000m2 để trồng dưa lưới.
"Trung bình mỗi sào, người dân chỉ bỏ khoảng 2 triệu để mua hạt giống. Sau khi trồng khoảng 60 ngày, cây dưa lưới sẽ cho thu hoạch. Mỗi vụ, người dân sẽ thu về từ 4 đến 5 tấn. Nếu người dân chăm chỉ, mỗi năm sẽ trồng được 5 vụ và thu về hàng trăm triệu đồng", ông Nguyên chia sẻ.
Trước hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại, nhiều người dân đã tìm đến gặp ông Nguyên để học hỏi. Giờ đây, người dân sống dọc con đường vào làng Ia Sik đều dành ra quỹ đất khoảng vài sào để dựng nhà màng. Ông Nguyên cũng được tín nhiệm giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội trồng dưa lưới xã Ia Nhin.
Với độ rủi ro thấp, mức đầu tư ít, không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nghề trồng dâu nuôi tằm đã được anh Lê Thành Công - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại Dịch vụ Thành Công Gia Lai cùng 10 thành viên đã trồng dâu trên 40ha. Theo anh Công, chi phí đầu tư trồng 1ha dâu thấp hơn các loại cây khác khoảng 30 triệu đồng, thời gian thu hoạch 4 - 5 tháng và chu kỳ này kéo dài nhiều năm. Đối với diện tích trồng 1 ha dâu với 5 hộp tằm, giá kén từ 180 - 200 ngàn đồng/kg sẽ cho thu nhập khoàng 20 - 25 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, bà con không chỉ tận dụng lao động nhàn rỗi để có nguồn thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu nuôi tằm mà các sản phẩm phụ của cây dâu còn được tận dụng ủ phân hữu cơ bón cho cây cà phê. Mô hình trồng dâu nuôi tằm giúp người dân có nguồn thu nhập thường xuyên.
Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, chú trọng yếu tố hợp tác và mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ hướng tới mục tiêu của sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Công SơnTrưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh
Trồng nấm linh chi đỏ cũng là mô hình hiệu quả đang được nhân rộng tại Chư Păh. Trên thảm thực vật rừng keo lai rộng 40 ha tại khu vực núi Cờ (xã Ia Ka), hàng ngàn cây nấm linh chi đang sinh sôi nảy nở.
Ông Nguyễn Công Hiệu - Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai chia sẻ: Dưới tán keo ít cỏ mọc, dễ vệ sinh. Ngoài ra, nhựa của lá keo rụng xuống cũng rất tốt cho đất nuôi phôi nấm. Nấm trồng dưới tán cây keo đạt tỷ lệ sống tới 98%, cao hơn rất nhiều so với trồng trong nhà kính. Đặc biệt, chất lượng nấm linh chi trồng vượt trội vì thu hoạch đúng thời gian, dinh dưỡng cung cấp cho cây đầy đủ. Trung bình, tôi đầu tư 1.000 phôi với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Với 1.000 phôi, tôi sẽ thu hoạch khoảng 3 - 4 lần, tổng lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong, làm sạch nấm và sấy khô để có thể bảo quản trong một thời gian dài. Cứ một cân nấm tươi sẽ thu được hơn 400g nấm khô thành phẩm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã đưa sản phẩm dự thi OCOP và đạt 3 sao.
Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại tiếp thêm động lực để Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai và HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ mở rộng sản xuất. Hai đơn vị đã tự sản xuất được phôi nấm cung cấp cho thị trường với giá bán 40 - 60 ngàn đồng/phôi, quy mô 15.000 phôi nấm/0,5ha rừng keo. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng nấm để đáp ứng nhu cầu mua dược liệu bồi bổ sức khỏe của người dân cũng như cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ triển khai trồng nấm linh chi ở tỉnh Đắk Lắk, còn Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai đã khảo sát để trồng ở Kon Tum, Quảng Trị và một số huyện trong tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Chư Păh. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng các loại giống lai, giống mới đưa vào sản xuất đại trà; mở rộng áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhất là ở các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.500 ha cây trồng chủ lực ( cà phê, sầu riêng, chanh leo…) được ứng dụng công nghệ cao (chiếm 5% tổng diện tích gieo trồng tăng 3% so với năm 2020) như : Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa vân lưới; sản xuất cây ăn quả và rau ăn lá các loại; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.
Trong đó, huyện đã nhân rộng được 5,2 ha nhà màng trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Ia Nhin và xã Ia Ka. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu sẽ mở ra triển vọng mới trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, từng bước đưa sản phẩm dưa lưới trên địa bàn xã Ia Nhin nói riêng và huyện Chư Păh nói chung phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời, thực hiện thành công mô hình trồng xen canh cây sầu riêng trong vườn cà phê vối kết hợp tưới nước tiết kiệm với quy mô 21,3 ha; thực hiện thành công quy trình sản xuất nấm sò và nấm linh chi sử dụng công nghệ hấp thanh trùng và tưới phun sương cho 200 m2 nấm sò, 100 m2 nấm Linh chi đỏ…
Để sản xuất nông nghiệp bền vững, hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch, huyện tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, huyện đã được phê duyệt 10 mã số vùng trồng sầu riêng và chanh leo.
Ông Nguyễn Công Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trong việc thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, chú trọng yếu tố hợp tác và mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ hướng tới mục tiêu của sản xuất nông nghiệp bền vững.