Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận diện “vùng trũng” trong phòng chống thiên tai: Nguyên nhân chính gây lũ quét, sạt lở đất (Bài 1)

Sỹ Hào - 18:02, 11/12/2020

Khu vực miền núi là những nơi thường xuyên gánh chịu các hình thái thiên tai đặc biệt nguy hiểm, nhất là lũ quét, sạt lở đất. Mặc dù, Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để tăng cường khả năng ứng phó nhưng hiện khu vực này vẫn là “vùng trũng” trong việc phòng tránh – phản ứng – giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mưa lớn, kéo dài là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lũ quét, sạt lở đất (Ảnh minh họa)
Mưa lớn, kéo dài là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến lũ quét, sạt lở đất (Ảnh minh họa)

Trong gần 20 năm qua, ở khu vực miền núi xảy ra hàng nghìn trận lũ quét, sạt lở đất, với quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Địa hình chia cắt, cấu tạo địa chất có nhiều tai biến, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khiến lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực ở khu vực này.

Tổ hợp nhiều yếu tố bất lợi

Chiều ngày 28/10/2020, một vụ sạt lở đất thảm khốc đã vùi lấp 15 ngôi nhà ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm ngày 10/12, thông tin chính thức của UBND huyện Nam Trà My cho thấy, cơ quan chức năng xác định, vụ sạt lở đất đã khiến 9 người chết, 33 người bị thương, còn 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.

Chỉ sau vụ sạt lở đất xảy ra vài ngày, Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL) miền Trung và Tây Nguyên đã đưa ra báo cáo nhanh, trong đó có nhận định, nguyên nhân chính ban đầu dẫn đến thảm họa. Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, đây là khu vực có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh.

Khe sạt lở chính tại nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhìn từ trên cao (Ảnh: Tổng cục PCTT)
Khe sạt lở chính tại nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhìn từ trên cao (Ảnh: Tổng cục PCTT)

Trong khoảng thời gian từ ngày 6 – 22/10/2020, mưa kéo dài, đất bị bão hòa hết. Khi gặp trận mưa lớn trong hai ngày 27 – 28/10 (bão số 9) với gần 180mm thì đất như một khối bùn lỏng, sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra trận lũ quét kéo theo đất đá, cây cối chắn ngang cống thoát nước, khiến dòng bùn đá đã chuyển hướng sang bờ phải lao vào khu dân cư, cuốn đi tất cả trên đường đi của nó, tạo ra thảm họa sạt lở ở nóc Ông Đề.

Đây là nhận định dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học về địa chất. Nhận định này có thể áp dụng để lý giải nguyên nhân cho rất nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong hàng chục năm nay ở khu vực miền núi.

“Lũ quét, sạt lở đất đã và đang trở thành một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dân với tính chất bất thường, khó dự báo, cảnh báo cũng như do tập quán sinh sống ven bờ sông, bờ suối và sườn đồi của bộ phận đồng bào khu vực miền núi”

Ông Trần Quang Hoài
Ông Trần Quang HoàiPhó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT

Trở lại trận lũ quét trên suối Son nhấn chìm bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) vào ngày 3/8/2019 (10 người chết và mất tích) để thấy rõ điều này. Sau thảm họa, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra kết luận: Lũ quét ở suối Son là do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm, làm nghẽn dòng, sau đó mưa lớn làm nước dâng và vỡ đập, tạo ra lũ và chuyển hướng vào bản Sa Ná, gây thiệt hại về người, tài sản.

Trước đó nữa, ngày 27/6/2018, một trận sạt lở đất vùi lấp 26/28 căn nhà ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngao (Sìn Hồ, Lai Châu). Nguyên nhân được xác định cũng tương tự như trên; tức là do mưa cường độ lớn, đất đá bị bão hòa, trong khi bản Sáng Tùng có địa hình dốc, chia cắt mạnh.

Cũng với nguyên nhân trên, trong tài liệu “Những bài học kinh nghiệm ứng phó với lũ quét, sạt lở đất điển hình từ năm 2000 - 2019” của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), đã nêu nhiều trận lũ quét, sạt lở đất điển hình trong hơn 20 năm qua. Đáng chú ý là, trận lũ bùn đá do mưa lớn xảy ra ngày 3/10/2000 ở bản Nậm Cóong, xã Nậm Cuổi (Sìn Hồ, Lai Châu). Trận lũ bùn đá dù chỉ xảy ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ nhưng đã làm 39 người chết, 18 người bị thương, bằng 10% dân số của bản Nậm Cóong lúc đó.

Ngày càng bất thường

Những ví dụ nêu trên chỉ là 3 trong hàng nghìn trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nước ta xảy ra từ nhiều năm nay. Và đáng lo ngại là, các sự cố thiên tai này đang có chiều hướng gia tăng.

Theo số liệu từ các cơ quan có liên quan, trước năm 2000, bình quân mỗi năm nước ta xảy ra 7 trận lũ quét, sạt lở đất. Nhưng từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước lại xảy ra 15 trận.

Biểu đồ các trận lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 2001 - 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)
Biểu đồ các trận lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 2001 - 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)

Riêng 15 tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB), theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, giai đoạn 2000 – 2019, khu vực này đã xảy ra 590 trận lũ quét và 829 sự cố sạt lở đất. Vị chi, trong 20 năm qua, toàn khu vực MNPB bình quân mỗi năm xảy ra 30 trận lũ quét và 42 trận sạt lở đất; phần lớn các sự cố đều xảy ra tại các miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt.

Biểu đồ các trận sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 2001 - 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)
Biểu đồ các trận sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 2001 - 2019 (Nguồn: Tổng cục PCTT)

Sự bất thường và thiệt hại khó đoán định do lũ quét, sạt lở đất ngày càng thể hiện rõ. Năm 2017 có thể xem là năm thảm họa thiên tai; chỉ tính riêng ở các tỉnh MNPB, trong năm này, đã ghi nhận 54 trận lũ quét và 252 điểm xảy ra sạt lở, khiến 206 người thiệt mạng.

Trong năm 2018 và 2019, sạt lở đất, lũ quét có xu hướng giảm.Trong đó, ở các tỉnh MNPB, năm 2018 xảy ra 27 trận lũ quét, 36 điểm sạt lở đất; sang năm 2019 chỉ xảy ra 10 trận lũ quét và 27 sự cố sạt lở. Thiệt hại về người cũng giảm đáng kể; ở các tỉnh MNPB năm 2018 có 89 người bị tử vong do sạt lở đất, lũ quét; năm 2019 con số này là 10 người (ở bản Sa Ná của Thanh Hóa).

“Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được”
Ông Lê Quang Hùng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Nhưng năm 2020, lũ quét, sạt lở đất cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chiều 28/10 đến đầu tháng 11, hàng loạt vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra ở miền Trung. Tính đến ngày 18/11, có 132 người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét.

Điều này cho thấy rõ, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất luôn thường trực, nhất là ở khu vực miền núi. Trong khi đó, ở khu vực miền núi hiện có rất nhiều điểm đã được các cơ quan chuyên môn xác định, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở rất cao mỗi khi mưa lũ về.

Chỉ tính ở các tỉnh MNPB, theo tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, trên địa bàn 15 tỉnh điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Qua khảo sát thực địa cho thấy, các vị trí này thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.

Những điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đã được các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương cảnh báo; tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm, một phần do thói quen của người dân, phần do địa phương thiếu kinh phí di dời. Việc người dân tiếp tục sinh sống, sản xuất tại các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dụng này trong phần tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.