Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở (Bài cuối)

Sỹ Hào - 08:04, 08/12/2024

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Số liệu từ cuộc điều tra thu thập thông tin thực trạng y tế ở của 53 DTTS năm 2024, sẽ có đóng góp quan trọng vào việc thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở này.

Đội ngũ y tế cơ sở là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. (Ảnh minh họa)
Đội ngũ y tế cơ sở là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. (Ảnh minh họa)

Đã “phủ sóng” nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu

“Phủ sóng” trạm y tế xã là một trong những dấu ấn quan trọng của lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong 05 năm (2019 – 2024). Đây là thông tin chung trong các báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ IV, năm 2024 được các địa phương tổ chức trong 10, tháng 11 vừa qua.

Theo đó, tất cả các địa phương đều đạt tỷ lệ 100% số xã có trạm y tế; phần lớn xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngay ở địa phương còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, năm 2024, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế/tổng số trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 88,8%.

Trước đó, tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II cũng đã thể hiện, toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi (bao gồm 5.266 xã thuộc 51 tỉnh, thành phố, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020) chỉ còn 30 xã là chưa có trạm y tế.

“Phần lớn các xã không có trạm y tế là do đã sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện hoặc Phòng khám đa khoa khu vực. Các xã này chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc là Hà Giang, Yên Bái và Tuyên Quang”, kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 nêu.

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 thu thập thông tin về tình trạng trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, bán kiên cố hay thiếu kiên cố và đơn sơ; đồng thời xác nhận thực trạng trạm y tế xã có đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp xã theo bộ tiêu chí được quy định tại Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế.

Nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước, vốn viện trợ nước ngoài không hoàn lại đã tưng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở của cả nước; không chỉ về cơ sở vật chất mà cả nhân lực y tế.

Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện 100% đơn vị cấp huyện trên cả nước có trung tâm y tế (707 trung tâm); 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế (10.559 trạm); trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 97,3% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Ỏ khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, hiện 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…

Mặc dù đã “phủ sóng”, nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện thực trạng cơ sở hạ tầng ở các trạm y tế xã khu vực miền núi vẫn cần được quan tâm đầu tư; nhiều trạm y tế xây dựng đã lâu, cần được nâng cấp, cải tạo; một số trạm y tế vẫn trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố.

Tại thời điểm năm 2019, từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS thì, 99,6% các trạm y tế xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố. 

Tình trạng trạm y tế thiếu kiên cố hoặc đơn sơ còn rất ít và chủ yếu tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với 14/20 trạm y tế. Các tỉnh có số trạm y tế thiếu kiên cố hoặc đơn sơ cao nhất là: Tuyên Quang (5 trạm y tế), Điện Biên (3 trạm y tế), Cao Bằng và Lạng Sơn (mỗi tỉnh 2 trạm y tế).

Hệ thống trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. (Trong ảnh: Trạm Y tế xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)
Hệ thống trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. (Trong ảnh: Trạm Y tế xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam)

Năm 2023, theo kết quả rà soát của Bộ Y tế, cả nước vẫn còn 22,1% số trạm y tế xã chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới.

Thực trạng về trạm y tế xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã được thu thập trong cuộc điều tra thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III, dự kiến công bố vào tháng 7/2025. Đây sẽ là dữ liệu bổ sung cho ngành y tế để có định hướng trong việc huy đọng nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm y tế xã trong giai đoạn tới.

“Nâng cấp” nhân lực y tế

Ngày 27/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch).

Quy hoạch đạt mục tiêu đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,0 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh.

Một trong những quan điểm của Quy hoạch là bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cho các khu vực khó khăn; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng, miền, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.

Để triển khai định hướng này, ngoài việc đầu tư, cải tạo mạng lưới trạm y tế xã như đã nêu trên thì một nhiệm vụ cấp bách hiện nay, là phải “nâng cấp” chất lượng nguồn nhân lực của ngành Y tế ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Năm 2019, theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, tại các trạm y tế cấp xã vùng đồng bào DTTS có hơn 33,4 nghìn lãnh đạo, nhân viên y tế đang làm việc; trong đó, số lãnh đạo, nhân viên y tế là người DTTS chiếm 37,9%.

Phần lớn lãnh đạo, nhân viên tại các trạm y tế xã có trình độ y sỹ, y tá hoặc điều dưỡng viên, chiếm trên 50%. Số nhân viên hộ sinh chỉ chiếm 15,1% tổng số lãnh đạo, nhân viên của các trạm y tế xã.

Mặc dù 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có trạm y tế xã, nhưng không ít trạm đầu tư đã lâu, nay xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu khám chưa bệnh cho Nhân dân. (Trong ảnh: Thực trạng Trạm Y tế xã Cao Thăng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng)
Mặc dù 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có trạm y tế xã, nhưng không ít trạm đầu tư đã lâu, nay xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. (Trong ảnh: Thực trạng Trạm Y tế xã Cao Thăng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng)

“Mặc dù tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đã được cải thiện, tăng từ 69,2% năm 2015 lên 77,2% năm 2019 nhưng hiện vẫn còn khoảng 1/5 số trạm y tế xã vùng đồng bào DTTS thiếu bác sỹ, đặc biệt ở khu vực biên giới; trên 60% số trạm y tế xã tại một số tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Khánh Hòa không có bác sỹ...”, kết quả phân tích số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 nêu.

Từ năm 2019 đến nay, nhiều chương trình, dự án được thực hiện nhằm thu hút lực lượng bác sỹ về công tác tại y tế cơ sở; tuy nhiên, hiện nhiều địa phương, nhất là ở các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn thiếu hụt nhân lực y tế trầm trọng.

Đơn cử tại Nghệ An, theo báo cáo Sở Y tế tỉnh, toàn ngành hiện cần 13.000 nhân viên y tế, trong đó tuyến y tế cơ sở cần tối thiểu 7.037 người; trong khi đó, tình trạng nhân lực ngành y đang rời bỏ cơ sở y tế công lập đang có dấu hiệu gia tăng.

Cùng như tỉnh Nghệ An, hiện các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trên cả nước đang đối mặt với việc thực trạng thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng ở tuyến cơ sở. Từ số liệu thu thập được về tình hình nguồn nhân lực y tế ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, Bộ Y tế, cũng như các địa phương sẽ có số liệu để đánh giá một cách cụ thể hơn, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để giải bài toán này.

Thông tin về nhân viên y tế thôn bản trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV năm 2024 sẽ là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để duy trì, phát triển mạng lưới y tế thôn, bản - cánh tay nối dài của ngành y tế tới rộng khắp các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. (Trong ảnh: Nhân viên y tế thôn bản tỉnh Bắc Kạn truyền thông về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng)
Thông tin về nhân viên y tế thôn bản trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV năm 2024 sẽ là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để duy trì, phát triển mạng lưới y tế thôn, bản - cánh tay nối dài của ngành y tế tới rộng khắp các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. (Trong ảnh: Nhân viên y tế thôn bản tỉnh Bắc Kạn truyền thông về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng)

Một số liệu được thu thập, cần được phân tích cụ thể từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, là thông tin về nhân viên y tế thôn bản. Năm 2019, theo kết quả điều tra, 83,5% thôn thuộc các xã vùng đồng bào DTTS có nhân viên y tế thôn, bản; giảm nhẹ so với năm 2015 (85%).

Vậy từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ nhân viên y tế thôn bản giảm hay tăng đã được thu thập trong cuộc điều tra lần thứ IV năm 2024. Nhưng cần lưu ý rằng, với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, lực lượng nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế.

Ở các địa bàn này, giao thông đi lại và cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe có phần hạn chế; do đó đòi hỏi phát triển mạng lưới y tế thôn bản nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Vì vậy, thông tin về nhân viên y tế thôn bản trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024 sẽ là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để duy trì, phát triển mạng lưới y tế thôn, bản - cánh tay nối dài của ngành y tế tới rộng khắp các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.