Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhạc sỹ Phú Quang mãi ở lại trong trái tim người hâm mộ

Ngọc Ánh (T/h) - 11:11, 09/12/2021

Sau 2 năm gặp bạo bệnh, nhạc sỹ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 8h45 ngày 8/12/2021. Nhạc sỹ Phú Quang ra đi để lại sự tiếc nuối cho hàng triệu công chúng yêu âm nhạc. Với những người yêu Hà Nội, yêu dòng nhạc Phú Quang, tên tuổi của anh, những tình khúc của anh sẽ mãi ở lại trong trái tim người hâm mộ.

 Nhạc sỹ Phú quang (Ảnh tư liệu)
Nhạc sỹ Phú quang (Ảnh tư liệu)


Ai cũng yêu vinh quang, nhưng rất ít người yêu được lao động để làm ra vinh quang. Bởi vì để có vinh quang, lao động rất cực nhọc

Nhạc sĩ Phú Quang

“Dường như ai đi ngang cửa/Gió mùa đông bắc se lạnh/Chiếc lá thu vàng đã rụng/Chiều nay cũng bỏ ta đi…”. Có lẽ bất cứ ai đã đi qua những năm tháng học đường đều thuộc nằm lòng tình khúc “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sỹ Phú Quang. “Nỗi nhớ mùa đông” không chỉ là tiếng lòng khắc khoải của người nghệ sỹ khi “Nằm nghe xôn xao tiếng đời/ Mà ngỡ ai đó nói cười/Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy/Giờ đây đã bỏ ta đi…” mà còn là hoài niệm thiết tha của biết bao người đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ với những nỗi khắc khoải về tình yêu đôi lứa một thời.

Không chỉ “Nỗi nhớ mùa đông”, những “Khúc mùa thu”, “Điều giản dị”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Mùa thu dấu em”, “Dạ khúc”, “Biển nỗi nhớ và em”… dường như đã trở thành một phần “máu thịt” thấm đẫm trong ký ức, tâm hồn bao công chúng yêu dòng nhạc Phú Quang.

Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang luôn có nét thâm trầm, tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ
Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang luôn có nét thâm trầm, tĩnh lặng, lãng đãng, mơ màng...

Trong bốn mùa của vũ trụ, cũng như sự hiện diện hiển nhiên của tình yêu trong nghệ thuật, mùa thu muôn đời đã được bình chọn là mùa cho sự lãng mạn khai sinh, tạo nên mối giao cảm, giao hòa trong tâm hồn người nghệ sỹ. Đối với Phú Quang, mùa thu với những khoảng trống cô đơn đã tạo nên những xúc cảm mãnh liệt để trái tim ông rung lên những nốt nhạc thiết tha : “Có phải mùa thu dấu em lâu đến thế/Để cuối con đường anh kịp nhận ra em/Em ào tới chợt xôn xao như lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm…”.

Nhạc sỹ Phú Quang từng tâm sự: "Chưa bao giờ tôi ngừng tin tưởng tình yêu và hạnh phúc là có thật trên đời. Tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng không có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Nhưng tình yêu và hạnh phúc nó giống như con chim bay đến đậu trên vai ta một vài lần trong đời đã là may mắn lắm. Chúng ta đừng hy vọng có thể cầm nắm hay sở hữu tình yêu mãi mãi. Một khi anh sở hữu được nó rồi, có thể nó sẽ chết".

Bởi tình yêu mong manh và khó nắm giữ, vậy nên nhạc sỹ luôn mở lòng đón nhận và trân trọng cả những niềm vui, nỗi buồn đã đến và đi trong đời mình. Phú Quang cho rằng, mỗi một kỷ niệm dù đớn đau hay hạnh phúc đều mang đến cho ta những trải nghiệm bổ ích. Và nhạc sỹ đã mang những trải nghiệm giàu trắc ẩn đó vào trong âm nhạc. Bởi vậy, nhiều nhạc phẩm của ông vừa là dòng tự cảm đầy suy tư, khắc khoải, vừa là nỗi khát khao kiếm tìm một sự tri giao trong hoài niệm về tình yêu: “Em ru gì lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian/Em ru gì, lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lặng/Em ru gì lời ru cho anh một đời đam mê một đời giông tố… Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt, lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu”.

Nhạc sỹ Phú Quang (thứ ba từ trái sang phải) giao lưu với các nghệ sĩ và khán giả trong "Đêm nhạc Phú Quang"- Ảnh TL
Nhạc sỹ Phú Quang (thứ ba từ trái sang phải) giao lưu với các nghệ sĩ và khán giả trong "Đêm nhạc Phú Quang"- Ảnh TL

Trong một buổi giao lưu với khán giả truyền hình của chương trình Người đương thời, Phú Quang chia sẻ, ngoài những bóng dáng giai nhân ẩn hiện trong các nhạc phẩm của ông viết, hình ảnh người mẹ với tình mẫu tử bao la cũng tạo nên những cảm hứng bất tận để các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại ra đời. Phú Quang yêu mẹ như yêu Hà Nội bởi Hà Nội là quê hương của mẹ. Nơi ấy đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của tuổi thơ và tuổi trẻ của nhạc sỹ. Mối tình đầu của ông cũng thuộc về Hà Nội. Đó là lý do khi nhạc sỹ chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp (năm 1985) nhưng luôn đau đáu nhớ thương về Hà Nội. Niềm đau đáu đó đã thôi thúc nhạc sỹ trở về Hà Nội sau 20 năm bươn chải trên đất Sài Gòn (năm 2008).

Hà Nội của Phú Quang ngày trở về đã khác xưa: hiện đại hơn, ồn ào hơn, xô bồ hơn với nhan nhản những quán bia hơi, quán càphê, nhà nghỉ, khách sạn và những mối tình thoáng chốc… Hòa mình vào dòng chảy cuộc sống đương đại ấy, nhạc sỹ Phú Quang vẫn giữ một góc riêng cho tâm hồn mình. Ông trải lòng: "Hà Nội của ngày hôm nay là nơi tôi dừng bước trong cuộc phiêu lưu tình ái, bởi tôi đã tìm thấy “mùa thu” cho riêng mình".

Tổ ấm của nhạc sĩ Phú Quang và Anh Thư -người vợ thứ ba của nhạc sỹ nằm ở một nơi đầy “chất nhạc” tại đường Âu Cơ, ngay sát bờ sông Hồng. Đây là nơi ông vẫn đều đặn cho ra những ý tưởng, sản phẩm, chương trình âm nhạc của riêng mình về một Hà Nội cũng của riêng trái tim ông…

Sau 2 năm “chiến đấu” với những biến chứng của căn bệnh tiểu đường, ngày 8/12/2021, nhạc sỹ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng. Nhiều ca sĩ một thời gắn bó với nhạc Phú Quang cùng hàng triệu công chúng bàng hoàng trước tin buồn.

Trên trang cá nhân, ca sĩ Thanh Lam đăng tấm ảnh bên nhạc sĩ trong một sự kiện, tiễn biệt ông bằng lời bài Trong miền ký ức: "Xa xa trong miền ký ức, có lẽ một dòng sông/ Xa xa đôi bờ dốc nắng, mênh mang một chiều đông...". Ca sĩ Hồng Nhung nhắc đến kỷ niệm với nhạc sĩ Phú Quang trong chương trình “Em ơi, Hà Nội Phố”.

Nhạc sĩ Dương Cầm viết tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang bằng tiếng dương cầm: "Mùa đông năm ấy. Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Ca sĩ Bằng Kiều rưng rưng viết lời tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa với giai điệu “Em ơi Hà Nội phố”…

Từ nhạc phẩm đầu tay là Ballát "Niềm tin" viết cho viôlôngxen và pianô (năm 1967), đến nay sau gần 50 năm, nhạc sỹ Phú Quang đã sở hữu một “gia tài nghệ thuật” đồ sộ với trên 400 nhạc phẩm trữ tình. Dòng nhạc trữ tình Phú Quang với những ca từ đẹp, buồn mà sang trọng đã có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lòng công chúng yêu âm nhạc Việt Nam hôm nay.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.