Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy: Nơi lưu giữ nhiều hiện vật văn hóa, lịch sử quý báu

PV - 14:32, 06/08/2020

Được xây dựng vào năm 1992, trên khu đất trung tâm của thị trấn Sa Thầy, nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy là công trình văn hóa, biểu tượng cho sự gắn kết các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện. Nơi đây còn được xem là một bảo tàng thu nhỏ vì đang lưu giữ, trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương.

Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy, nơi đang trưng bày nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lẫn lịch sử. Ảnh: ĐT
Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy, nơi đang trưng bày nhiều hiện vật có giá trị văn hóa lẫn lịch sử. Ảnh: ĐT

Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy từng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - chính trị quan trọng của huyện Sa Thầy. Năm 2008, nhà rông được tu sửa, nâng cấp để đảm nhận thêm chức năng trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn, nhằm phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa các DTTS của địa phương.

Nhờ làm tốt công tác lưu giữ cùng sự đóng góp của nhiều cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện, hiện nay, ngoài các hiện vật về văn hóa truyền thống của các DTTS, nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy còn trưng bày các bức ảnh, tranh, cổ vật, mô hình động vật hoang dã quý hiếm… với số lượng 458 hiện vật.

Bên trong Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy. Ảnh: ĐT
Bên trong Nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy. Ảnh: ĐT

Bên trong nhà rông, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng nhất, đối diện với cửa ra vào, phía trên treo lá cờ Tổ quốc. Trong nhà rông ở khu vực chính giữa này là những hình ảnh trưng bày lịch sử quá trình xây dựng, đấu tranh và phát triển của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy qua các thời kỳ cách mạng, cùng sự ghi nhận những thành tích chiến đấu, dựng xây của quân và dân huyện Sa Thầy được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên trái cửa ra vào là tủ trưng bày 54 di vật của người Việt cổ trên Tây Nguyên cách đây 4.000 năm được khai quật từ Di chỉ khảo cổ học Lung Leng ở xã Sa Bình. Tham quan khu vực này, giúp người xem có cái nhìn tổng thể về cuộc sống, lao động cùng sự giao lưu phát triển của nhân dân các dân tộc Việt tiền sử sống trên mảnh đất Kon Tum từ rất sớm, qua nhiều thời kỳ khác nhau như người tiền sử hậu kỳ đá cũ, người tiền sử hậu kỳ đá mới…; các hoạt động như chế tác và sử dụng đá cuội ghè đẽo, luyện kim, xe sợi dệt vải…

Bộ chiêng của dân tộc Gia Rai. Ảnh: ĐT
Bộ chiêng của dân tộc Gia Rai. Ảnh: ĐT

Ngoài số ít hiện vật được trưng bày tại nhà rông văn hóa huyện Sa Thầy, số lượng khổng lồ các di vật với hàng vạn mảnh gốm, hàng ngàn công cụ đồ đá cùng một loạt mộ chum, bếp lò được khai quật từ Di chỉ khảo cổ học Lung Leng đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam (thành phố Hà Nội) và Bảo tàng tỉnh Kon Tum (thành phố Kon Tum).

Bên cạnh tủ trưng bày 54 di vật được khai quật từ Di chỉ khảo cổ học Lung Leng là tủ trưng bày 32 hiện vật đồ đá cổ được sưu tầm tại làng Ba Rgốc ở xã Sa Sơn. Các hiện vật này là các thế hệ đồ đá có niên đại lên đến hàng nghìn năm như: Cuốc đá, rìu đá có quai, rìu đá tròn trân châu, bàn mài đá, đá hình cầu có lỗ, búa đá, mảnh tước…

Các hiện vật này là bằng chứng cho thấy cách đây từ rất lâu trong các niên đại lịch sử, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã có con người sinh sống theo tổ chức cộng đồng hết sức chặt chẽ. Họ biết chế tạo ra các vật dụng bằng đá làm công cụ lao động và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Đây là nguồn tư liệu quý giá để các nhà khoa học nghiên cứu về cộng đồng người Việt cổ trên Tây Nguyên.

Bộ chiêng của dân tộc Rơ Măm. Ảnh: ĐT
Bộ chiêng của dân tộc Rơ Măm. Ảnh: ĐT

Tiếp theo là khu vực trưng bày 86 hiện vật gốm, sứ như: Bát, đĩa, tô với nhiều kích cỡ, hoa văn khác nhau được phát hiện trong quá trình xây dựng công trình Thuỷ điện Ya Ly. Các hiện vật này thuộc phong tục chia của cho người đã mất, là nét văn hóa thể hiện tình cảm của người với người, mong muốn người đã mất khi về thế giới bên kia vẫn nhận được sự chia sẻ, yêu thương từ người thân trong gia đình của người Tây Nguyên.

Ngoài các hiện vật trên, khu vực này còn trưng bày các tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được các nghệ nhân trên địa bàn huyện tạc tại Liên hoan tạc tượng huyện Sa Thầy lần thứ I năm 2012.

Di chuyển sang bên phải cửa ra vào, người xem sẽ được tham quan các hiện vật văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy. Khu vực này trưng bày di sản văn hóa cồng chiêng với 1 bộ chiêng của dân tộc Gia Rai, 1 bộ chiêng của dân tộc ít người Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai và 2 bộ chiêng Tha của dân tộc ít người Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; trưng bày các nhạc cụ dân tộc: Đàn tơrưng, klongput, tingning, sáo, k’ní, đinh yang… và các công cụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt: đan lát (gùi, nia, rổ, đơm cá), rèn (cuốc, rựa, giáo, mác), thổ cẩm (trang phục nam, nữ)…

Ghè Tốc Tơ Ba, một loại ghè quý của dân tộc Gia Rai. Ảnh: ĐT
Ghè Tốc Tơ Ba, một loại ghè quý của dân tộc Gia Rai. Ảnh: ĐT

Tiếp theo là nơi trưng bày một số ghè cổ, nồi đồng của người dân tộc Tây Nguyên. Tất cả đều có giá trị rất lớn, tương đương với hàng chục con trâu, bên cạnh đó, những hiện vật này còn có giá trị tinh thần vì gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ huyện Sa Thầy.

Bên cạnh những hiện vật văn hóa truyền thống của các DTTS, khu vực này còn trưng bày một số đồ gốm, sứ, đồng như: Bát, dĩa, choé… được sưu tầm ở rất nhiều nơi, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ.

Các hiện vật là mô hình động vật hoang dã quý hiếm của huyện cũng được trưng bày xen kẽ với các hiện vật văn hóa, cổ vật. Đây là những động vật đã chết được người dân phát hiện trong lúc đi làm rẫy, chính quyền địa phương sau đó nhờ các chuyên gia tái tạo lại thành mô hình. Thông qua các hiện vật này, huyện Sa Thầy mong muốn giới thiệu nét đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên ở địa phương, đồng thời, tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức và cùng hành động để bảo vệ động vật hoang dã theo quy định của pháp luật gắn với bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.

Ông Trần Văn Tiên - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Sa Thầy cho biết, trong thời gian tới, ngoài thực hiện tốt công tác quản lý, gìn giữ nhà rông văn hóa huyện, ngành văn hóa sẽ tiếp tục kêu gọi cán bộ và nhân dân hiến tặng các hiện vật có giá trị để trưng bày tại nhà rông. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đợt tham quan nơi đây để giới thiệu về lịch sử hình thành, truyền thống tốt đẹp và nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là đối với các thế hệ thanh niên và các em học sinh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.