Bức tranh văn hóa đặc sắc
Cộng đồng người Sán Chỉ ở Bảo Lạc có khoảng trên 2.000 nhân khẩu, phân bố tại các xã: Thượng Hà, Hưng Đạo, Kim Cúc, Cốc Pàng và Sơn Lộ. Từ bao đời nay, nền văn hóa của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc đã hòa cùng dòng chảy văn hóa miền non nước Cao Bằng, được các thế hệ tiếp nối gìn giữ, phát huy, góp phần làm nên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Đáng chú ý, kiến trúc nhà sàn của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc rất độc đáo với hình ảnh tượng trưng như một “trâu thần” (thủy ngưu). 4 cột chính ở giữa nhà tượng trưng cho 4 chân; rui mè như những xương sườn; nóc nhà được coi là sống lưng. Ngay chân cột chính cạnh cửa ra vào được người Sán Chỉ đặt 1 thùng cám với ý nghĩa như dạ dày của trâu thần. Bởi vậy, đây là chỗ linh thiêng trong nhà, nơi thờ thần chăn nuôi của gia đình. Tại một góc nhà ở phần ngoài nhà sàn có một buồng nhỏ lúc nào cũng đóng kín, ngay cả chủ nhà cũng chỉ vào buồng vào những ngày nhất định trong năm. Đây chính là nơi người Sán Chỉ gọi là “hương hỏa” theo tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng hay Táo quân.
Bên trong ngôi nhà sàn của người Sán Chỉ cũng tương tự như nhà của người Tày, Nùng, được thiết kế chặt chẽ, phù hợp với nhu cầu và điều kiện sống. Trong nhà có 2 đến 3 buồng ngủ, bố trí ở hai bên trái và phải trong nhà. Bếp được đặt ở phần cuối gian giữa của ngôi nhà. Phía trên bếp lửa là gác bếp thường dùng làm kho chứa đồ cũng như tận dụng sức nóng của lửa để bảo quản ngô, khoai, lạc… Trước cửa có sàn phơi thóc cũng là nơi để ngồi thêu thùa, may vá. Bên dưới sàn nhà, người dân thường để nông cụ.
Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào Sán Chỉ thờ cúng tổ tiên trong nhà, ngoài ra còn thờ trời đất, thổ công, bà mụ, thần nông, thần chăn nuôi... Trong lễ hội truyền thống có Lễ cầu mùa, Lễ cấp sắc, Lễ dựng bồ thóc… thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của những người dân lao động. Đồng bào Sán Chỉ rất yêu thích hát dân ca với các làn điệu soóng cọ, sình ca…; có các điệu múa dân gian đặc sắc như: Múa tắc xình, múa trống, múa đâm cá…; các trò chơi dân gian độc đáo như: Đánh yến, đánh quay…
Nguy cơ mai một…
Những đặc trưng văn hóa của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc rất phong phú, góp phần tạo nên bức tranh văn hoá đa dạng của cộng đồng các DTTS tại Cao Bằng. Tuy nhiên hiện nay, những nét văn hóa đặc trưng của người Sán Chỉ đang có nguy cơ bị mai một.
Ông Hoàng Văn Khánh được người Sán Chỉ coi là “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc ở xóm Nà Dạn, xã Thượng Hà (huyện Bảo Lạc) chia sẻ: Trước kia, ở các phiên chợ, các chàng trai, cô gái Sán Chỉ thường hát đối đáp để tìm bạn, để bày tỏ tình cảm với người yêu. Rồi khi đi chơi hội, họ lại dùng các điệu múa, lời ca để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình. Trong đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, tiếp khách quý hay ngày Tết đều có các cuộc hát bằng tiếng dân tộc. Nhưng hiện nay, trong các bản người Sán Chỉ còn rất ít người biết hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình.
Không riêng âm nhạc, dân ca, dân vũ mà ngôn ngữ và các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của người Sán Chỉ hiện nay đều đã mai một rất nhiều. Đến các xóm của người Sán Chỉ hôm nay không còn thấy những nếp nhà sàn truyền thống, thay vào đó là những ngôi nhà trệt, nhà xây. Trang phục truyền thống cũng chỉ được người Sán Chỉ mặc vào những dịp lễ, Tết, đám cưới…, còn trong ngày thường thì rất hiếm.
Bà Quan Hồng Tiềm - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lạc cho biết: Trong những năm qua, ngành Văn hóa địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con người Sán Chỉ phát huy ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Các hoạt động phục dựng các nghi lễ đặc trưng như Lễ cấp sắc, Lễ cầu mùa, được triển khai cùng với việc truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người Sán Chỉ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đa số nghệ nhân tuổi đã cao, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa được bài bản...
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của người Sán Chỉ, tỉnh Cao Bằng đã đưa một số nội dung cụ thể vào Kế hoạch triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I 2021 - 2025. Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác bảo tồn, phát huy di sản của người Sán Chỉ sẽ được thực hiện bài bản, phát huy hiệu quả cao hơn.