Tinh hoa vũ kịch rô bămNghệ thuật sân khấu rô băm hay còn gọi “rom rô băm”, hát rằm hay hát ream kê, là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer, phát triển rực rỡ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX và lưu truyền đến ngày nay.
Theo Nghệ nhân Lâm Thị Hương, các vở diễn rô băm phần lớn là truyện cổ tích, đứng đầu là vở “Riem kê”, lấy cảm hứng từ trường ca Ramayana của Ấn Độ. Trong vở diễn này, nhiều nhân vật đã trở thành mẫu hình điển hình, lý tưởng của đồng bào Khmer như: Nàng Sê Đa, Hoàng tử Phrés Riem, Khỉ thần Hanuman…; Trong kịch diễn rô băm, các nhân vật thường được hư cấu theo 2 tuyến: chính diện và phản diện. Nhân vật Chằn đại diện cho cái ác, Khỉ tài trí thông minh đại diện cái thiện...
Các điệu múa trong rô băm vừa sinh động vừa mềm mại gồm: Rom yeak (múa chằn), Apsara (múa tiên), Txu txai (điệu kết hợp của 12 động tác múa), múa khỉ Hanuman... Ngoài vũ đạo là ngôn ngữ biểu cảm chính của vũ kịch rô băm, còn có những quy chuẩn chặt chẽ về trang phục theo các tuyến nhân vật, với các loại yếm cổ, trước bụng, sau lưng, khăn nịt ngực, bao buộc chân, bao tay, mặt nạ và mũ.
Do vũ kịch rô băm vừa mang tính bác học, vừa mang tính dân gian, vừa mang tính cung đình, vừa dân dã nên đòi hỏi diễn viên phải có tính chuyên nghiệp cao. Người nghệ sĩ trình diễn phải đa năng, thể hiện được hầu hết các vai trong vở diễn từ vai thiện đến vai ác của các chuyện xưa tích cũ (thần thoại, truyền thuyết, lịch sử…). Đồng thời, mỗi diễn viên cũng là những nhạc công chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ, là những nghệ nhân có thể tự chế tác các đạo cụ để trình diễn như mặt nạ, mũ mão, trang phục…
Trăn trở bảo tồn…
Ở tỉnh Sóc Trăng, chỉ có duy nhất gia đình Nghệ nhân Lâm Thị Hương ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) biết diễn rô băm theo kiểu “cha truyền con nối”. Nghệ nhân Lâm Thị Hương là đời thứ 5 kế tục, lưu truyền nghệ thuật vũ kịch rô băm Khmer Nam bộ truyền thống của Đoàn Nghệ thuật Rôbăm Ba Sak Bưng Chông. “Đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông được thành lập cách đây hơn 100 năm, từ đời cụ ngoại là Trà Suôl, đến đời ông là Trần Dúa, sau đó đến cha tôi là Nghệ nhân Lâm Ven tiếp tục duy trì hoạt động. Sau khi cha mất năm 2003, việc quản lý Đoàn được giao lại cho tôi kế tục”, Nghệ nhân Lâm Thị Hương cho biết.
Hiện nay, Đoàn Nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông có 20 người, trong đó 15 diễn viên là “người nhà” của Nghệ nhân Lâm Thị Hương. Với trọng trách Trưởng đoàn nghệ thuật, Nghệ nhân Lâm Thị Hương cùng các diễn viên trong Đoàn đã miệt mài luyện tập nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ công chúng.
Tuy nhiên, bà rất trăn trở khi nói về hướng đi và việc bảo tồn nghệ thuật sân khấu rô băm. Bởi nhiều năm tiếp nối môn nghệ thuật truyền thống của gia đình, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã vô cùng chật vật khi đứng ra lo toàn bộ các chi phí mua sắm đạo cụ, trang phục, chi phí đi lại khi Đoàn có lịch mời đi biểu diễn ở các địa phương. Do thiếu kinh phí đầu tư nên Đoàn chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi năm đi diễn 15-20 ngày vào các dịp lễ như dâng bông, lễ cầu an...Thời gian còn lại, các diễn viên ở nhà làm ruộng, người đi làm thuê, làm mướn lo chạy ăn cho gia đình.
Từ tháng 4/2016 đến nay, nghệ nhân Lâm Thị Hương cùng chồng là nghệ nhân Sơn Del đưa một số diễn viên ra Hà Nội tham gia các hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Hằng ngày, khi có các đoàn du khách đến thăm quan kiến trúc ngôi chùa Khmer-Nam bộ và Không gian Làng Khmer truyền thống, Nghệ nhân Lâm Hương cùng các diễn viên sẽ biểu diễn giới thiệu một vài trích đoạn vũ kịch rô băm cùng các vũ điệu múa Khmer phục vụ công chúng.
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân, diễn viên đang tham gia hoạt động hằng ngày tại Làng chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/người/tháng, các nghệ nhân, diễn viên của Đoàn sẽ khó có khả năng gắn bó lâu dài tại “ngôi nhà chung” vì thu nhập không đủ sống.
“Chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước quan tâm hơn cho loại hình nghệ thuật sân khấu múa rôbăm của bà con dân tộc Khmer để giúp chúng tôi bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Nhất là hỗ trợ kinh phí cho Đoàn tập luyện, mua sắm trang phục, có sân khấu rô băm cho đoàn biểu diễn phục vụ bà con để loại hình nghệ thuật độc đáo này không bị mai một”, Nghệ nhân Lâm Thị Hương đề xuất.
NGỌC ÁNH