Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Xơ Đăng bảo vệ “lá phổi xanh”

Ngọc Chí - 05:24, 31/08/2024

Sinh ra, lớn lên gắn bó với rừng và cũng thấu hiểu những hậu quả khi để mất rừng. Giờ đây, cộng đồng người Xơ Đăng ở làng Ty Tu, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đang ngày đêm giữ lại những cánh rừng nguyên sinh hình thành từ hàng trăm năm trước và nỗ lực trồng thêm rừng. Với ước nguyện những cánh rừng mãi thêm xanh để che chở cho dân làng có cuộc sống bình yên.

Người Xơ Đăng xem bảo vệ rừng chính là bảo cuộc sống của dân làng
Người Xơ Đăng xem bảo vệ rừng chính là bảo cuộc sống của dân làng

Giữ cho rừng mãi xanh

Để đến được khu rừng nguyên sinh mà cộng đồng người Xơ Đăng ở làng Ty Tu được giao quản lý bảo vệ, chúng tôi cùng với Tổ bảo vệ rừng của làng phải sử dụng xe máy độ chế và đi bộ hơn 1 tiếng đồng hồ. Vượt qua những ngọn đồi và những khe suối đầy đá chúng tôi cũng đến được khu rừng với những cây cổ thụ có đường kính vài người ôm. Cảm nhận đầu tiên là bầu không khí ở đây rất trong lành và một khung cảnh hùng vĩ với những áng mây lơ lửng trên cánh rừng nguyên sinh.

Ngồi bên gốc cây cổ thụ giữa rừng, già A Dao năm nay 61 tuổi kể lại: Trước đây, làng Ty Tu được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, không khí mát mẻ quanh năm. Trải qua thời gian, do phát rừng làm nương rẫy nên những cánh rừng dần lùi xa với dân làng. Và cũng từ đó, những trận lũ, đặc biệt là trận lũ năm 2009 đã gây thiệt hại lớn đến dân làng. Thấy được tầm quan trọng của rừng, dân làng chúng tôi quyết tâm phải giữ lại rừng.

Năm 2023, cộng đồng người Xơ Đăng ở làng Ty Tu được UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông giao quản lý, bảo vệ hơn 190ha rừng nguyên sinh. Sau khi được giao bảo vệ, làng đã thành lập 3 Tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ 25 người và phân công đi tuần tra hằng tuần.

Ông Vi Văn Chồm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Ty Tu chia sẻ: Làng Ty Tu hiện có 80 hộ, 495 nhân khẩu, gần 100% là người Xơ Đăng. Để bảo vệ rừng, chúng tôi phân công mỗi tháng 1 Tổ đi tuần tra 2 lần, một lần đi thì chia thành 2 nhóm. Cứ như thế, tuần nào dân làng chúng tôi cũng có mặt trên rừng, quyết tâm không để ai phá rừng.

Dưới sự bảo vệ của dân làng Ty Tu những cánh rừng mãi thêm xanh
Dưới sự bảo vệ của dân làng Ty Tu những cánh rừng mãi thêm xanh

Với sự chung tay của dân làng Ty Tu, hơn 190ha rừng nguyên sinh được gìn giữ nguyên vẹn. Hệ sinh thái động, thực vật phong phú, ngoài những cây cổ thụ thì còn có các loại cây dược liệu quý, như: Hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra và các loại động vật, như: Heo rừng, chồn, sóc, chim trĩ…

Ông A Phếch, làng Ty Tu chia sẻ: Khi đi tuần tra bảo vệ rừng chúng tôi thường đi 2 ngày, nhiều hôm gặp được heo rừng, chồn, chim trĩ chúng tôi thấy rất vui. Và dân làng chúng tôi không bao giờ săn bắn các loài thú đó, bởi chúng tôi không chỉ giữ cây rừng mà còn giữ lại những gì có ở trong rừng.

Từ khi hơn 190ha rừng được xã giao cho cộng đồng thôn Ty Tu quản lý thì bà con thực hiện rất tốt. Không có tình trạng phá rừng, bà con ý thức được việc giữ rừng sẽ có nguồn nước phục vụ sản xuất, phục vụ dân làng và hơn hết là tránh nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Xã đã và đang hỗ trợ cây giống để bà con phát triển thêm diện tích rừng

Ông Dương Đăng KhoaChủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông

Hưởng lợi từ rừng

Với hơn 190ha rừng được giao khoán quản lý bảo vệ, hằng năm dân làng Ty Tu được chi trả hơn 76 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Vi Văn Chồm cho biết: Việc chi trả tiền cho các hộ tham gia bảo vệ rừng làng làm rất công khai, khi đi tuần tra thì làng có chấm công. Số tiền chi trả cho các hộ trực tiếp tham gia bảo vệ rừng khoảng 56 triệu đồng, còn lại 20 triệu đồng giữ làm quỹ cho làng. Hộ nào trong làng vi phạm để mất rừng thì sẽ bị trừ tiền công và nhập vào tiền quỹ của làng. Việc này được đưa vào hương ước, quy ước của làng để thực hiện.

Từ tiền quỹ làng sẽ trả tiền điện thắp sáng tại các tuyến đường, tổ chức các lễ hội và cho các hộ gia đình khó khăn trong làng vay không tính lãi để mua cây, con giống phát triển kinh tế gia đình. Ngoài việc hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng, người Xơ Đăng còn có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác các lâm sản phụ, như: Hồng đẳng sâm, đương quy và mật ong rừng. Thấy được những lợi ích mà rừng mang lại, từ chỗ phá rừng làm nương rẫy, giờ đây, người Xơ Đăng ở làng Ty Tu đã chung tay trồng thêm rừng.

Nhiều hộ người Xơ Đăng ở làng Ty Tu đã tự đầu tư trồng thêm rừng
Nhiều hộ người Xơ Đăng ở làng Ty Tu đã tự đầu tư trồng thêm rừng

Ông A Vông, làng Ty Tu chia sẻ: Gia đình tôi có mảnh rẫy gần khu rừng làng đang bảo vệ, sau nhiều năm trồng sắn thì đất đã bạc màu, năm vừa rồi tôi tự giác mua thêm cây thông về trồng. Tôi cũng muốn phủ xanh lại diện tích này, để rừng thêm xanh và bảo vệ dân làng chúng tôi trước những cơn lũ dữ.

“Từ khi hơn 190ha rừng được xã giao cho cộng đồng thôn Ty Tu quản lý thì bà con thực hiện rất tốt. Không có tình trạng phá rừng, bà con ý thức được việc giữ rừng sẽ có nguồn nước phục vụ sản xuất, phục vụ dân làng và hơn hết là tránh nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Xã đã và đang hỗ trợ cây giống để bà con phát triển thêm diện tích rừng”, ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.