Đảng viên đầu tiên của bảnBản Ón, thuộc xã Tam Chung, đây là xã xa nhất của huyện Mường Lát. Muốn vào bản, phải vượt qua những con dốc dựng đứng, quanh co, uốn lượn… Dù cung đường này đã được đầu tư khai thông từ nhiều năm rồi, nhưng nhiều đoạn vẫn còn dang dở nên việc đi lại rất khó khăn.
Gia đình Giàng A Chống hiện sống trong một căn nhà gỗ. Theo lời Chống kể, tuổi thơ của Chống là những cuộc hành trình theo cha mẹ du canh, du cư khắp các tỉnh, lúc thì ở huyện Phù Yên (Sơn La), khi thì lang thang ở nhiều nơi của huyện Mường Lát, thậm chí anh còn theo bố mẹ di cư sang Hủa Phăn nước bạn Lào…; Và cuối cùng bản Ón là nơi gia đình Giàng A Chống dừng chân.
Ở cái bản xa lắc xa lơ, nghèo nàn lạc hậu, việc Giàng A Chống được bố mẹ gửi lên xã đi học cũng từng là một sự kiện lạ. Món quà này là do bố mẹ Chống thấy cậu con trai lanh lợi, rất thích đi học nên chiều lòng.
Ra ngoài đi học, biết cái chữ, nghe được cô giáo giảng giải, kể cho nhiều điều về cuộc sống, Chống càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả, cái nghèo nàn lạc hậu còn tồn tại trong vùng đồng bào quê mình. Chống nung nấu một ý chí, phải học thật tốt để giúp đỡ bà con.
Ý chí này đã thúc đẩy Giàng A Chống trở thành người đầu tiên ở bản Ón học hết lớp 12.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Giàng A Chống theo học lớp y tế thôn, bản tại bệnh viện Đa Khoa huyện Mường Lát.
Chống bảo, học y tế để có kiến thức sau này chữa được cái bệnh cho bà con, chữa hiệu quả mới tuyên truyền vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, ốm thì lên trạm xá, đừng nghe theo thầy cúng, thầy lang cúng tế con ma rừng tốn kém mà bệnh lại không đỡ…
Để có thêm trải nghiệm cuộc sống, tốt nghiệp lớp y tế thôn bản, Giàng A Chống đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Trong thời gian ở quân ngũ, Chống vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được Bộ Chỉ huy quân sự Thanh Hóa cử đi đào tạo kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước nhằm tạo nguồn cán bộ cơ sở.
Mang ấm no về với đồng bàoSau khi hoàn thành khóa học, về bản Ón, Giàng A Chống giữ trọng trách là Bí thư Chi bộ của bản. Bản Ón ngày trước có khoảng 50 hộ dân tộc Mông, sống tạm bợ trong những mái nhà tranh xiêu vẹo dưới các khe núi.
Cuộc sống của bà con chỉ nhờ vào bắp ngô, củ sắn trên nương, củ mài, đọt măng đắng trong rừng, còn lúa thì năm được, năm mất… Vì vậy đói nghèo luôn đeo bám. Bà con cũng thường xuyên di cư tự do, kéo theo nhiều hệ lụy, tệ nạn.
“Đồng bào mình vốn quen với việc phá rừng, đốt nương, làm rẫy. Dần dần, người Mông ở nơi khác di cư tự do đến bản Ón ngày một đông hơn.
Vì vậy, nếu cứ phá rừng, đốt nương mãi thì bà con vẫn không “no cái bụng”, không được học “con chữ”... Thế nên, mình vận động già làng cùng bà con thay đổi nếp sống, học làm lúa nước, đưa các giống cây con mới về trồng, để xua đi cái nghèo nàn, lạc hậu”, Bí thư Giàng A Chống chia sẻ.
Để làm được điều đó, Bí thư Giàng A Chống đã đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân không di cư, ổn định để phát triển kinh tế. Cách làm của Giàng A Chống là, mỗi khi có chủ trương, phong trào hoạt động gì mới, anh sẽ tiên phong làm trước, làm hiệu quả rồi hướng dẫn bà con sẽ làm theo.
Ví dụ như cả bản chưa ai dám bỏ ngô để trồng lúa nước, thì Chống ngày đêm cần mẫn cải tạo khu đất hoang thành những thửa ruộng, rồi lấy nước trên khe núi về cấy 2 vụ lúa.
“Trời không phụ công người”, những vụ mùa bội thu liên tiếp đến. Nhờ đó mà Chống “chinh phục” được đồng bào mình. Bà con không còn đốt nương, làm rẫy mà quay sang khai thác đất hoang làm lúa nước không nghe theo kẻ xấu xúi giục…
Đặc biệt, là Bí thư Chi bộ bản, Chống hiểu hơn ai hết về vai trò nòng cốt đảng viên trong việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế-xã hội.
Bí thư Chống rất chú trọng bồi dưỡng phát triển đảng viên mới. Đến nay, Chi bộ bản Ón đã kết nạp thêm 9 đảng viên, nâng số đảng viên của chi bộ lên 14 đồng chí.
Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: Từ ngày có đồng chí Giàng A Chống làm Bí thư Chi bộ, bản Ón đổi thay nhiều lắm. Cuộc sống ấm no được biết đến khi màu xanh của lúa, ngô, khoai sắn phủ khắp bản làng.
Bà con không còn đốt rừng làm rẫy; các tập tục nặng nề trong ma chay, cưới hỏi… đã được xóa bỏ. Tình hình an ninh trật tự trong thôn, bản luôn được giữ vững. Cả bản có hơn 100 hộ đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo của bản những năm trước đây lên tới 90%, nay giảm xuống còn 45%.
Đặc biệt, hệ thống trường học, nhà văn hóa, các công trình nước sạch, điện lưới quốc gia đã được đầu tư xây dựng. Những đứa trẻ bản Ón không còn phải theo cha mẹ nhọc nhằn đi qua mùa rẫy trên nương mà được đến trường học chữ.
QUỲNH TRÂM