Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người tiên phong làm du lịch ở Chống Tra

Mai Hương - 09:01, 14/12/2021

Với mong muốn bảo tồn, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của bản, làng quê hương, anh Thào A Lo, dân tộc Mông ở bản Chống Tra, xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), đã chọn cách xây dựng homestay để khởi nghiệp, mang lại thu nhập cho gia đình.

Anh Thào A Lo dọn phòng để đón khách du lịch
Anh Thào A Lo dọn phòng để đón khách du lịch

Ý tưởng làm dịch vụ homestay bắt đầu từ năm 2017, sau khi Thào A Lo (SN 1990) vừa tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại. Với số vốn dành dụm được, cùng với vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Yên, Thào A Lo bắt tay vào làm ngôi nhà homestay mơ ước của mình.

Những ngày đầu xây dựng nhà homestay, A Lo vấp phải không ít khó khăn, từ những ý kiến trái chiều của người dân trong bản vốn đã quen với nếp sống cũ. Bên cạnh đó, khoảng cách từ nhà của anh đến trung tâm xã khá xa, giá cả nguyên vật liệu đắt đỏ, vận chuyển khó khăn... 

Làm homestay, A Lo phải đau đầu tính toán, làm sao cho đủ chi phí để xây dựng được ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để đón du khách, nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nhà truyền thống của người Mông. 

Sau 6 tháng đầu tư xây dựng, ngôi nhà homestay đã hoàn thành, với tổng diện tích 160 m² và tổng chi phí đầu tư lên tới hơn 200 triệu đồng.

Nhờ biết cách làm ăn, tích góp cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn,  A Lo đã có 01 căn nhà sàn độc đáo, đan xen kiến trúc truyền thống của người Mông và người Thái. Ngôi nhà này có phòng nghỉ khép kín, đầy đủ tiện nghi, có đệm ga gối trắng muốt, sạch sẽ. Phần trang trí trong nhà được trưng bày bằng các loại dụng cụ, vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc, một nét đặc trưng văn hóa đặc sắc không thể thiếu của đồng bào DTTS nơi đây.

Ngôi nhà sử dụng toàn bộ vật liệu tự nhiên như: gỗ, tre, lá cọ... Năm nào anh cũng tự tay kiểm tra, sửa sang và bổ sung lại mái nhà. Căn nhà của anh mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát mẻ. Du khách rất hài lòng khi nghỉ dưỡng nơi đây.

Ngoài ra, Thào A Lo còn tích cóp để xây dựng thêm 2 căn nhà gỗ, với 6 phòng nghỉ tập thể và 9 phòng nghỉ đôi, tổng diện tích gần 400m², sức chứa hơn 300 người. A Lo luôn bảo trì, bảo dưỡng cải tiến trong thiết kế và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Anh cũng dành gần 1.000 m² để nuôi gà, lợn, trồng rau, là nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho bếp của homestay mình.

Ban đầu chưa có khách trực tiếp, anh tận dụng vốn hiểu biết của mình tìm hiểu các trang mạng xã hội, áp dụng công nghệ số để làm du lịch, quảng bá thương hiệu. “Khách túc tắc có dần và ngày càng đông hơn”, anh A Lo cho biết.

Mấy năm gần đây, khách đến với Bắc Yên đều hơn, nhiều du khách đánh giá Bắc Yên có nét riêng, chưa bị thương mại hóa. Trước khi có dịch bệnh, homestay của A Lo đều rất đông khách. Bình quân mỗi tháng, homestay của Thào A Lo thu đón từ 200-300 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng. 

Vào những đợt Bắc Yên có lễ hội đua ngựa, và vào mùa mận thì du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng luôn kín phòng. Nguồn thu từ các dịch vụ du lịch ở homestay mang về cho gia đình anh lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Tới tham quan, trải nghiệm tại homestay, du khách đều thích thú khi được đắm mình trong không gian làng bản đồng bào Mông, hài lòng với việc bài trí của ngôi nhà. Đặc biệt, là sự gọn gàng, sạch sẽ từ thức ăn, đồ uống đến nơi nghỉ ngơi đã làm hài lòng những vị khách khó tính nhất. Những món ăn đặc sản của người Mông như, gà xương đen, lợn bản, rau củ... do chính tay vợ anh A Lo chế biến, đem lại sự yên tâm và bữa ăn ấm cúng cho du khách.

Tại đây rất nhiều hoạt động trải nghiệm nét đẹp văn hóa của người Mông được tổ chức như: Vẽ sáp ong trên vải, làm bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống… để phục vụ nhu cầu của khách muốn trải nghiệm. Homestay không những thu hút nhiều đoàn khách trong nước, mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều tổ chức và khách du lịch nước ngoài.

A Lo là cựu Bí thư Đoàn xã năng động, luôn nhiệt tình tham gia mọi phong trào.
A Lo là cựu Bí thư Đoàn xã năng động, luôn nhiệt tình tham gia mọi phong trào tại địa phương

Nhận thấy tiềm năng du lịch của địa phương, cùng nhu cầu ngày một tăng, A Lo đã hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Hiện nay, bản Chống Tra đã xây dựng được 6 homestay.

A Lo tâm sự: “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”.

Với những thành công đạt được, A Lo thường xuyên được mời tham dự các hội thảo, hội nghị chia sẻ về cách làm du lịch cộng đồng. Sự nhanh nhẹn, nhạy bén, nắm bắt cơ hội, dám nghĩ dám làm của A Lo, là tấm gương sáng về ý chí vươn lên làm giàu, quyết tâm vượt nghèo khó, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên trên con đường lập nghiệp.

 Từ năm 2008 đến tháng 8/2021, Thào A Lo đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn xã Háng Đồng. Từ tháng 8/2021 đến nay, anh được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Háng Đồng. Thào A Lo vinh dự nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng năm 2018. Năm 2020, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen vì đã có sự đóng góp trong công tác phát triển du lịch tỉnh Sơn La trong những năm qua.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.