Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Thầy thuốc Ưu tú của đồng bào Khmer

N.Tâm - 17:53, 07/12/2020

Thầy thuốc Sơn Hà sinh ra và lớn lên ở xã khó khăn thuộc huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), vùng đất có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; điều kiện kinh tế, sinh hoạt của bà con còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, người dân chỉ lo mưu sinh hằng ngày nên việc quan tâm đến sức khỏe, vệ sinh môi trường… gần như bỏ ngỏ.

Người Thầy thuốc Ưu tú của đồng bào Khmer

Động lực lựa chọn nghề

Nhiều lần chứng kiến cảnh người thân, bà con, bạn bè ốm đau không đến cơ quan y tế, tự tìm cây lá uống cho qua bệnh; nếu ốm nặng hơn thì cúng bái, cầu khấn thần linh, nên cậu học trò nghèo Sơn Hà, dân tộc Khmer nuôi ước mơ được làm nghề y để được chữa bệnh cho đồng bào mình.

Năm 1983, Sơn Hà tốt nghiệp phổ thông, lúc đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Sơn Hà không dám nghĩ đến con đường vào đại học, mà chỉ dám đề đạt với địa phương, Phòng Giáo dục xin vào học khóa y tá, thời gian 1 năm. Sau khi kết thúc khóa học, với lợi thế là người Khmer, nói thông, viết thạo tiếng Khmer, nên Sơn Hà được tuyển dụng vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Tú.

Mặc dù là bệnh viện huyện, nhưng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh nơi đây còn thiếu thốn, thu nhập thấp, nên không ít cán bộ có chuyên môn phải bỏ nghề để ra ngoài mưu sinh.

“Bản thân tôi cũng có lúc suy nghĩ nhiều về thực trạng đó, nhưng nhớ lại hình ảnh chứng kiến người dân quê mình đói khổ, bệnh tật do không hiểu biết, cần thầy thuốc hướng dẫn nên tôi đã quyết tâm trau dồi chuyên môn, bám trụ lại với nghề cho đến hôm nay”, anh Sơn Hà bộc bạch.

Năm 1988, Sơn Hà được cử đi đào tạo y sĩ tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, anh được điều động nhận nhiệm vụ là Trưởng Trạm Y tế xã Phú Tân, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trong xã.

Những ngày đầu về Phú Tân công tác, cán bộ y sĩ rất vất vả, do thời điểm đó bà con chưa thật sự tin vào y học. Mỗi khi có người bệnh thì bà con cúng bái, lễ lạt chứ không chịu đưa người bệnh ra Trạm y tế. Mỗi khi đi tuyên truyền tiêm chủng, hay tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong Nhân dân; hay vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình bà con không quan tâm, thậm chí có nhà còn tỏ thái độ và không cho cán bộ y tế vào nhà. Mỗi lần như vậy, y sĩ Sơn Hà đã vận dụng tiếng nói của đồng bào để kiên trì trao đổi, để bà con hiểu rõ những nguy hại của dịch bệnh, những lợi ích từ phòng, chống dịch bệch để bảo vệ mình và gia đình.

Người dân Sóc Trăng được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Quân dân y Sóc Trăng
Người dân Sóc Trăng được chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Quân dân y Sóc Trăng

Tận tâm vì đồng bào

Có những lúc nhận được thông tin có bệnh nhân ốm nặng nhưng không đến cơ sở y tế khám, điều trị, Trạm trưởng Sơn Hà cùng với cán bộ trong Trạm đích thân xuống tận nhà để thăm khám, chữa bệnh, cấp cho bà con thuốc uống; đồng thời tranh thủ tuyên truyền, thông tin về nguyên nhân gây bệnh và những nguy hại nếu không được chữa trị kịp thời. Với tình cảm là người con của đồng bào Khmer, cùng với sự chân tình hướng dẫn của anh, dần dần thuyết phục, lan tỏa đến nhiều người trong xã tin tưởng tìm đến Trạm khi có bệnh. Đến nay, hầu hết người dân trong xã đã thực hiện hướng dẫn của Trạm y tế trong việc chăm sóc sức khỏe gia đình, tiêm phòng cho trẻ và phòng, chống dịch bệnh; chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường sống…

Mới đây, có dịp về Sóc Trăng công tác, trò chuyện với Bác sĩ Sơn Hà, anh cho biết, để cứu chữa được nhiều bệnh nhân, cả với những bệnh nặng, những năm qua, anh đã không ngừng học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ, trải qua, nhiều vị trí công việc, đến năm 2013, anh được bổ nhiệm về làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành cho đến nay.

Với những đóng góp cho ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng trong suốt hơn 30 năm qua, Bác sĩ Sơn Hà đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; là 1/6 thầy thuốc người Khmer của tỉnh được phong tặng danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Ưu tú”; được nhận nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Sóc Trăng; danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; là đại biểu tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Mặc dù công việc lãnh đạo quản lý Trung tâm bộn bề, nhưng hằng ngày, bác sĩ Sơn Hà đều dành thời gian gặp gỡ, thăm khám cho bệnh nhân; nắm bắt thông tin, nguyện vọng của gia đình bệnh nhân để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng cho người bệnh.

Đặc biệt, bác sĩ Sơn Hà luôn chú trọng triển khai, kịp thời chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh trong Trung tâm và các tuyến y tế xã; đề cao y đức trong ngành; tổ chức các buổi học tập quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ y tế… Từ đó, chất lượng khám, chữa bệnh luôn được các đơn vị y tế, các Trạm y tế xã chú trọng nâng cao, từng bước tạo sự yên tâm và tin tưởng khi người bệnh đến điều trị, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.

“Là người dân tộc Khmer tôi thấu hiểu được sự khó khăn của đồng bào, nhất là những hạn chế về tiếp cận thông và các dịch vụ cần thiết cho sức khỏe, nên đã luôn cố gắng làm tốt công việc của một thầy thuốc. Được bà con, người bệnh tin tưởng, tôi càng phải cố gắng hơn nữa để trọn nghĩa với đồng bào”, Thầy thuốc Ưu tú Sơn Hà bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.