Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người tận tụy vì dân làng

PV - 22:11, 07/02/2018

Luôn miệt mài tìm kiếm các mô hình làm kinh tế mới để hướng dẫn cho bà con nông dân trong thôn, trong xã làm theo, cựu chiến binh Am Moăn (70 tuổi, ở thôn A Cha, xã A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị) được mọi người qúy mến, tôn trọng.

Cựu chiến binh Am Moăn bên đường ống dẫn nước về thôn A Cha. Cựu chiến binh Am Moăn bên đường ống dẫn nước về thôn A Cha.

 

Dẫn khách vào căn chòi dựng khéo léo trên ao cá. Bên ấm chè rừng thơm mát, Am Moăn kể: Sau khi giải phóng đất nước, tôi từ chiến trường Hải Lăng trở về thôn A Cha với hai bàn tay trắng. Lúc mới về, thôn A Cha toàn là rừng rú mênh mông mà bản làng khi ấy lại rất neo người. Bà con Pa Kô ở đây trước kia sống rất lạc hậu. Họ chẳng biết cây lúa nước là cây gì, quanh năm suốt tháng chỉ biết trỉa ngô, trồng sắn trên núi cao. Rồi đói nghèo, không có cái ăn khi mùa giáp hạt thường xuyên xảy ra, đến những hủ tục luôn đeo bám...

Vì thế, Am Moăn quyết định phải thay đổi thực trạng này bằng cách đến từng nhà vận động và dạy bà con cách trồng lúa, nuôi cá theo kỹ thuật mới.

Năm 2007, công trình đắp đập Lìa tích nước phục vụ việc tưới tiêu cho bà con sắp tiến hành, nhưng khâu đền bù cho những hộ dân có phần đất bị ảnh hưởng chưa được đơn vị thi công giải quyết kịp thời nên bà con quyết liệt chống đối không cho công nhân thủy lợi tiến hành công việc. Thế là Am Moăn (lúc đó với cương vị là Chủ tịch Mặt trận xã A Xing) trong một buổi họp thôn, đã đứng ra trước toàn thể dân làng giảng giải về lợi ích công trình và bảo lãnh cho công nhân tiến hành xây đắp đập Lìa.

Sau khi nghe những lời phân tích thấu tình đạt lí cộng với uy tín bao năm nay của Am Moăn, dân làng đã đồng ý cho tích nước đập Lìa.

Thấy bà con dân bản đã đồng tình, Am Moăn vừa mừng, nhưng lại vừa lo. Mừng là khi đập Lìa tích nước, bà con sẽ có nước tưới tiêu, sinh hoạt trong mùa hạn hán, từ đó đời sống bà con sẽ được cải thiện hơn. Còn lo là dự án không đền bù cho dân làng thỏa đáng, ông sẽ trở thành người mất uy tín, dân bản sẽ coi thường, nghĩ xấu về ông.

Gần nửa tháng trôi qua sau ngày khởi công xây dựng đập Lìa, Ban dự án đã tiến hành đền bù đầy đủ cho người dân. Chính điều này đã làm cho Am Moăn trở thành người được dân làng và anh em công nhân kính nể. Đến nay, bà con Pa Kô ở A Cha khác hẳn xưa nhiều rồi. Bà con đã biết trồng cây lúa nước, biết bón phân, gặt hái, biết xóa bỏ những hủ tục. Bây giờ, cho dù có đến mùa giáp hạt, bà con cũng không lo cái đói như trước nữa.

Là người luôn năng nổ trong làm kinh tế, Am Moăn không lúc nào ngơi nghỉ. Ông luôn tìm mọi cách để giúp người dân bớt vất vả. Ông tâm sự: “Mình rất thương những người phụ nữ ở đây. Cả ngày họ phải lên nương làm lụng rất vất vả, tối về lại phải còng lưng giã gạo. Vì vậy, mình đã bán đi vài con bò để mua cái máy xay xát lúa phục vụ bà con dân bản”. Thời điểm Am Moăn mua chiếc máy xay xát này là vào năm 2008, đây cũng là chiếc máy xay xát lúa xuất hiện đầu tiên ở xã A Xing.

Từ khi có máy xay xát, chị em phụ nữ trong xã A Xing tiết kiệm được thời gian, công sức, vừa có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Am Moăn nói, đối với những hộ dân neo đơn, Cựu chiến binh hay tật nguyền đến xay xát ông không bao giờ lấy của ai một đồng nào. Tiền công xay xát tùy ở lòng bà con, muốn đưa bao nhiêu thì đưa, nếu không có cũng chẳng sao cả.

Một hành động đầy ý nghĩa của Am Moăn đối với dân bản nữa là việc ông tự nguyện bỏ ra hơn hai mươi triệu đồng để dẫn nước từ đập Lìa về bản; rồi xây bể chứa, bể lọc nước phục vụ miễn phí cho bà con dân bản sử dụng suốt bốn mùa. Am Moăn kể, để dẫn được nước về làng, ông đã cùng với các con của mình bạt núi, đào mương ròng rã gần 2 tháng trời mới hoàn thành. Nhiều lúc ông cũng muốn bỏ cuộc, nhưng mỗi lần nghĩ đến hình ảnh chiều chiều bà con phải nhọc nhằn rong ruổi khắp khe núi tìm nước càng thúc giục ông cố gắng hơn nữa.

Già làng Ăm Tăng (84 tuổi, thôn A Cha) chia sẻ: “Từ khi có bể nước của Am Moăn, dân làng không còn lo thiếu nước, không còn sợ cái khát như trước kia nữa. Dân bản biết ơn Am Moăn nhiều lắm”.

VĂN ĐÔNG - ĐẮC THÀNH

Tin cùng chuyên mục