Gặp NNƯT Y Sinh tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) khi bà biểu diễn đánh đàn klông pút cho du khách đến thăm Làng. Sự uyển chuyển, thuần thục trong cách đánh đàn, lối chơi đàn khiến tất cả du khách đều bị cuốn hút vào âm thanh nghe mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha....
NNƯT Y Sinh giới thiệu về loại đàn klông pút, trước đây, đàn klông pút cấu tạo rất đơn giản, chỉ 2 hoặc 3 ống lồ ô (tre loại lớn). Sau này, tuỳ theo cách chơi của mỗi người mà chế tác ra nhiều cây đàn có tới từ 7 đến 10 ống để đánh những bản nhạc mang nhiều âm điệu hơn. Đàn được đặt lên trên một phiến đá hoặc gác hai đoạn cây cao ngang bụng. Âm điệu cao, thấp khác nhau, tuỳ cách vỗ mạnh hay nhẹ.
Klông pút là nhạc cụ do nữ giới sử dụng, thường được chơi trên nương rẫy vào mùa lúa. Vào mùa phát rẫy tháng 1-2, người Xơ-đăng chơi đàn trong những đêm ở trên chòi canh rẫy để vơi bớt những nỗi mệt nhọc. Thú dữ nghe âm thanh rộn ràng của tiếng đàn thì sợ nên tránh xa rẫy. Vào mùa lễ hội như mừng lúa mới, lễ hội máng nước, người Xơ-đăng chơi đàn trong nhà rông. Tiếng đàn klông pút còn là tiếng lòng thổn thức gửi đến người thương của thiếu nữ Xơ-đăng đang trong mùa yêu.
Đối với NNƯT Y Sinh, cơ duyên gắn bó với cây đàn klông pút từ khi bà còn chưa biết đến con chữ. Tuy nhiên, do có năng khiếu về âm nhạc nên bà đã chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Khi trưởng thành, đi học rồi trở thành giáo viên, sau đó chuyển sang công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc rồi hội phụ nữ…; Công việc bận rộn nên thỉnh thoảng, bà Y Sinh mới tranh thủ chút ít thời gian để chơi đàn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho bản thân và chị em tham gia các hội thi, hội diễn.
Mãi đến khi nghỉ hưu (năm 2011), bà mới có nhiều thời gian để dành cho niềm đam mê chế tác và thử nghiệm chơi các loại cụ dân tộc. Theo NNƯT Y Sinh, khi chế tác đàn klông pút, muốn tạo lên những giai điệu kỳ diệu, cần sự kỳ công, khéo léo của người chế tác. Không chỉ cần có đôi tai tinh nhạy, đôi tay khéo léo, mà còn cần cả khả năng thẩm âm để có thể thổi hồn vào từng thân nứa vô tri. NNƯT Y Sinh vừa làm, vừa rút kinh nghiệm chế tác nên âm thanh của từng nốt nhạc nứa tre cũng hay hơn. Bà lần lượt cho ra đời những chiếc đàn tơ rưng, klông pút nguyên bản của người Xơ-đăng để góp mặt trong các chương trình biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa truyền thống ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Điều mà NNƯT Y Sinh trăn trở là hiện nay, số người Xơ đăng biết chơi klông pút không còn nhiều. Ở làng Đăk Tô chỉ còn lại những người lớn tuổi biết chơi đàn, thế hệ trẻ không thiết tha với nhạc cụ dân tộc nữa. NNƯT Y Sinh rất muốn truyền lại cách chơi cho thế hệ trẻ, nhưng để chơi được đàn klông pút không hề dễ dàng. Do đó, để làm được việc này, không phải chỉ riêng có sự tâm huyết, nỗ lực của bản thân NNƯT Y Sinh là thành công mà rất cần có sự quan tâm, chia sẻ của ngành Văn hóa cùng chính quyền địa phương và của cả cộng đồng
NGHĨA HIỆP