Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người ra, vào TP. Hồ Chí Minh phải được kiểm soát chặt chẽ

PV - 16:50, 05/07/2021

TP. Hồ Chí Minh cần kiểm soát chặt chẽ người ra, vào bằng mã QR cá nhân tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine, đồng thời bảo đảm lưu thông hàng hoá, không để ách tắc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sáng 5/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đầu cầu TP. HCM có Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các sở ngành, địa phương.

Theo đó, TP. HCM là địa bàn quan trọng nên Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, đã phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, sáng 4/7, trước yêu cầu cần tập trung cao nhất cho TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngoài phụ trách công tác phòng, chống dịch chung của cả nước, trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại đây.

Số ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục giảm

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức cho biết, tính từ 6h ngày 4/7 đến 6h ngày 5/7, Thành phố ghi nhận 711 ca mắc COVID-19, trong đó, 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng, các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng ở bên ngoài khu phong tỏa, cách ly chiếm đến 75%; tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chỉ còn 17%, còn hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức, các quận, huyện tăng 40 ca/ngày/100.000 dân gồm: Quận 1; 3; 7; 8; 9; Bình Tân; huyện Bình Chánh. Các quận, huyện có số ca tăng 20-40 ca/ngày/100.000 dân gồm: Quận 5; 10; 11; Tân Bình; Tân Phú; huyện Nhà Bè và TP. Thủ Đức. Quận 6; 12; Bình Thạnh; Cần Giờ; Củ Chi; Gò Vấp; Phú Nhuận có dưới 20 ca/ngày/100.000 dân.

Lãnh đạo TP. HCM cho rằng, cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh, trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của virus.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định tinh thần chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong việc bảo đảm đời sống cho người dân, đặc biệt những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

UBND TP.HCM đang tích cực triển khai nhiều biện phải bảo đảm an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TPHCM. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TPHCM. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chấn chỉnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sau cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì hôm qua (4/7), Thành phố chỉ đạo củng cố, kết nối thông tin, dữ liệu dịch bệnh với Trung ương để phân tích, đánh giá diễn biến dịch sát thực tế.

Ban Thường vụ Thành uỷ đã phân công mỗi đồng chí Uỷ viên Thường vụ cùng phụ trách, chia sẻ với các quận, huyện, TP. Thủ Đức,… Giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình phối hợp với các địa phương lân cận để kiểm soát người qua lại và bảo đảm lưu thông hàng hoá. Việc phân cấp, giao quyền cũng đã được phân định rạch ròi, để phát huy trách nhiệm của từng quận, huyện.

Đặc biệt, TP.HCM đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu…

Tất cả các bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1 ngăn chặn lây lan ra xã hội.

Trong thời gian tới, Thành phố đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao. TP.HCM tăng cường quản lý giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp (9/15 khu công nghiệp của Thành phố đã phát sinh các ca mắc COVID-19, các ổ dịch với số lượng ngày càng lớn); kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.

Tiết kiệm, hiệu quả, không chạy theo số lượng

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TP.HCM.

Phó Thủ tướng đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, đối với người dân có nhu cầu đi lại, Thành phố phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết những ngày qua do có nhiều đơn vị tham gia xét nghiệm nên việc kết nối dữ liệu chưa được nhuần nhuyễn, nhưng tình trạng này đã được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt, giúp các đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh nhất và đúng thời gian.

Những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra, vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Hoàn thiện hướng dẫn các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi, lại

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra, vào vùng dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt Bộ Y tế phải cập nhật, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ danh sách các quận, huyện, tỉnh, thành phố là vùng dịch.

Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh. Cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND, TP.HCM phải khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có hướng dẫn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP.HCM, bảo đảm lưu thông hàng hoá không bị ách tắc. Những người thật cần thiết đến TP.HCM phải thực hiện xét nghiệm.

Bộ Y tế đã có Công điện số 973/CĐ-BYT ngày 30/6/2021 về việc tăng cường phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người điều khiển, người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh trong đó có nội dung hướng dẫn lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2. Trước đề nghị của TP.HCM về việc bổ sung, làm rõ thời gian có giá trị đối với kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế cam kết, trong ngày 5/7 sẽ có hướng dẫn cụ thể.

TP.HCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất, sớm hoàn thành hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi, lại, có thời gian thông báo ít nhất trước 24 tiếng đồng hồ cho người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Còn nhiều phản ánh ở một số địa phương, nhất là TP.HCM, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm còn chưa thuận lợi, cần chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện đúng những chỉ đạo về tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào trong một mã QR cho người dân thì từ kinh nghiệm của hàng không, một số tuyến vận tải đường bộ sẽ không xảy ra ách tắc. Ngược lại, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ thì sẽ gây ách tắc rất lớn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát.

Trong vòng 24 giờ tới, Bộ TT&TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vaccine vào mã QR cá nhân. Bộ TT&TT cũng đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra, vào TP.HCM bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Đối với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP.HCM, Thành phố sẽ có thoả thuận cụ thể với các tỉnh lân cận./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.