Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Nhật Bản làm nông dân ở Đơn Dương

PV - 16:56, 09/07/2019

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ lâu huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Dù có quy mô lớn hay nhỏ thì những dự án nông nghiệp của nước ngoài triển khai trên đất Đơn Dương đều đem lại kinh nghiệm quý cho nông dân địa phương.

Chúng tôi tìm đến vườn rau quả của một nông dân người Nhật Bản-ông Masa, 56 tuổi, người đã sống và làm việc ở Việt Nam gần 10 năm. Ở Nhật Bản, ông là chủ một trang trại trồng rau công nghệ cao. Sang Việt Nam, ông đem theo công nghệ cũng như giống cây trồng, xây dựng vườn thí nghiệm rau quả sạch ở thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm (Đơn Dương); nông sản sau đó được nhập khẩu trở lại Nhật Bản.

Không may mắn được trò chuyện cùng với ông Masa vì ông bận việc, chúng tôi được anh Nenji, sinh năm 1988- Quản lý vườn rau chia sẻ những thông tin thú vị. Anh Nenji đã sang Việt Nam được 4 năm để làm quản lý cho ông Masa nên cũng đã “tậu” cho mình vốn tiếng Việt đủ để giao tiếp. Trước khi sang Việt Nam làm nông dân, anh Nenji là một viên chức ở tỉnh Tochigi-một địa phương nằm ở miền Trung Nhật Bản.

Anh Nenji chăm sóc vườn ươm giống dâu tây. Anh Nenji chăm sóc vườn ươm giống dâu tây.

“Làm viên chức khá gò bó nên khi ông Masa đề nghị sang Việt Nam trồng rau, tôi đã đồng ý. Làm nông dân thấy thoải mái, hơn nữa khí hậu, con người ở đây rất thú vị”, anh Nenji nói.

Anh Nenji cho biết, vườn rau của ông Masa ở Đơn Dương bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Trên diện tích gần 1 mẫu đất (10.000m2), ông Masa cho trồng các loại cây: cà tím, dưa leo, đậu bắp, dâu tây, bí đỏ. Tất cả các giống cây trồng này đều được đưa từ Nhật Bản sang. Với quy trình trồng chăm sóc nghiêm ngặt, mặc dù đang ở giai đoạn thí nghiệm nhưng giá trị kinh tế thu về là không hề nhỏ.

Anh Nenji dẫn chứng, như trên thửa đất gần 1 sào đất (900m2), ông Masa cho trồng cây cà tím áp dụng mô hình trồng theo luống, tưới nhỏ giọt thì chi phí mà ông Masa đầu tư khoảng 3 triệu đồng. Sau 6 tuần, gần 1 sào cà tím này sẽ cho thu nhập 50-60 triệu đồng.

“Tất nhiên cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hơn nữa, chi phí để đầu tư nhà kính cho gần 1 sào đất trồng cà tím cũng khá cao”, anh Nenji chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với 1 sào đất, để đầu tư xây dựng nhà kính thì kinh phí lên tới 250-270 triệu đồng (nhà lưới khoảng 30 triệu đồng/sào). Nhưng bù lại, nhà kính có tuổi thọ hàng chục năm. Chỉ tính gần 1 sào trồng cà tím của ông Masa, với khoảng 50-60 triệu đồng thu về sau 6 tuần chăm trồng thì chỉ trong thời gian ngắn là có thể thu hồi vốn đầu tư.

Điều tâm đắc nhất là, dù vườn rau của ông Masa đang ở giai đoạn thí nghiệm nhưng đã trở thành địa chỉ cho những người muốn làm nông dân đến học tập kinh nghiệm. Trong đó, có không ít người tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp cũng đến đây “xin” làm thuê để học làm nông dân.

Anh Trần Phú, sinh năm 1993, là một trong số đó. Quê ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế năm 2011, anh Phú vào làm cho một doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với mong muốn trở thành nông dân thời công nghệ 4.0, năm 2018, biết được mô hình vườn rau của ông Masa, anh đã tìm đến và xin vào làm công.

“Cách làm của người Nhật Bản rất khác với chúng ta, càng khác hơn rất nhiều so với những kiến thức đã học trong trường. Dù mới gần 2 năm học hỏi ở đây, nhưng tôi đã tích lũy được rất nhiều kiến thức bổ ích”, anh Phú cho biết.

Theo anh Phú, một trong những điểm khác cơ bản nhất là cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Kinh nghiệm làm nông của nước ta là cứ thấy sâu bệnh là phun thuốc, khiến cho tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả còn nhiều. Nhưng ở vườn rau của ông Masa, việc phun thuốc được triển khai ngay từ đầu vụ, sau đó thì dừng hẳn; trừ trường hợp sâu bệnh quá nặng thì mới tiến hành phun, với liều lượng rất ít.

“Với cách làm này, sản lượng rau quả tuy thấp hơn so với việc phun thường xuyên để trừ sâu bệnh, nhưng chất lượng lại cao hơn. So với rau quả khác thì rau quả ở đây sạch, ngọt và thơm hơn rất nhiều”, anh Phú cho biết.

Không chỉ người ở địa phương khác mà việc học hỏi kinh nghiệm trồng rau quả sạch như mô hình của ông Masa là rất cần thiết cho chính những người nông dân ở Đơn Dương. Là huyện có gần 100 nghìn dân, trong đó gần 30% là đồng bào DTTS, trồng rau củ quả là mũi nhọn của huyện Đơn Dương. Để nâng cao giá trị rau củ quả, thì việc áp dụng kinh nghiệm trồng rau thời công nghệ là hướng đi phải chọn.

KHÁNH THI

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.