Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Người Mỹ trên đất “lửa” Quảng Trị

Nguyễn Thanh - 11:28, 01/08/2024

Có không ít người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Có những cựu binh Mỹ đang khép lại quá khứ đau thương và hướng đến tương lai hòa bình hữu nghị bằng những nỗ lực hàn gắn không mệt mỏi. Ở Quảng Trị, chúng tôi đã bắt gặp những người Mỹ như thế.

Đoàn ngoại giao nhân dân Peace Trees, trong đó có CCB Mỹ Kem Hunter và Thiếu tá Chuk Casey, Tùy viên Thủy quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam chuẩn bị trồng cây tại khu vực Vĩ tuyến 17- giới tuyến chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm bởi chiến tranh
Đoàn ngoại giao nhân dân Peace Trees, trong đó có CCB Mỹ Kem Hunter và Thiếu tá Chuk Casey, Tùy viên Thủy quân lục chiến Mỹ tại Việt Nam chuẩn bị trồng cây tại khu vực Vĩ tuyến 17- giới tuyến chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm bởi chiến tranh

Nâng bước em đến trường

Con đường đến bản Ra Man thuộc xã Xy, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) quá đỗi trắc trở. Trên hành trình đất, đá lởm chởm,  trơn trượt, ngoằn ngoèo qua nhiều quãng đồi… là một thử thách lớn.

Chúng tôi không lạ lẫm gì với những cung đường trên đỉnh Trường Sơn như thế, nhưng với những người Mỹ phía bên Tây bán cầu, thì hẳn là một trải nghiệm khó quên. Với những người Mỹ đến vùng đất này, họ đang thực hiện một hoạt động ý nghĩa – xây dựng trường học, thành ra chuỗi hành trình ở Việt Nam đầy cảm xúc đặc biệt.

Có mặt trong ngày cắt băng khánh thành ngôi trường mầm non ở bản Ra Man, ông Robert Spindel, giảng viên Đại học Washington và vợ là bà Barbara Spindel, giáo viên dạy toán trường trung học đã về hưu, rưng rưng xúc động. Bản làng heo hút của người Pa cô đã rộn rã những tiếng cười, khi có một công trình giáo dục mới toanh, được dựng xây do người Mỹ tài trợ.

Ông Robert Spindel kể: John Seel là một sinh viên khoa Luật xuất sắc. Chiến tranh là thứ mà bạn ấy không muốn tham gia, nhưng phải tuân theo lệnh nhập ngũ của Chính phủ và đã thiệt mạng khi mới đến Việt Nam chỉ 4 ngày. Vợ của John Seel là một giáo viên mầm non, họ chưa có con nhưng cả hai người rất yêu trẻ em và sự nghiệp giáo dục.

Ông Robert Spindel và vợ là bà Barbara Spindel cắt băng khánh thành Trường mầm non Ra Man - công trình do chính họ tài trợ xây dựng
Ông Robert Spindel và vợ là bà Barbara Spindel cắt băng khánh thành Trường mầm non Ra Man - công trình do chính họ tài trợ xây dựng

Thay bạn thực hiện mơ ước, thông qua tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam, vợ chồng Robert Spindel đã tài trợ xây dựng Trường mầm non Ra Man, như là một cách để xoa dịu nỗi đau và tưởng nhớ người bạn thân của mình bị mất do chiến tranh.

Trong chuỗi những hoạt động vì giáo dục, vì những mầm non tương lai…, những cựu binh Mỹ đã chung tay, hỗ trợ trẻ em nghèo miền “đất lửa” bằng những phần quà ý nghĩa. Trong nỗ lực của mình, tổ chức Cựu chiến binh Vì hòa bình Phân hiệu 160 đã mang đến cho những đứa trẻ nghèo, khó khăn nơi đây những chiếc xe đạp mang thông điệp ý nghĩa “nâng bước em đến trường”.

Năm 2021, nhờ sự hỗ trợ của Dự án RENEW (chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm nỗ lực giảm thiểu số người chết và bị thương do bom chùm; cũng như các vật liệu chưa nổ khác còn sót lại từ sau chiến tranh), Tổ chức Cựu chiến binh Vì hòa bình Phân hiệu 160 đã xây dựng chương trình “Xe đạp vì học tập”. Từ đó đến nay, tổ chức đã giúp đỡ được hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt nỗi âu lo trên con đường đến trường.

Phó Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh Vì hòa bình Phân hiệu 160 Rich Allen chia sẻ: Tôi hy vọng những chiếc xe đạp sẽ giúp hành trình đến trường của các em nhỏ thuận tiện hơn. Trong hân hoan niềm vui, ông Rich Allen dự định: Sẽ cùng các thành viên của Tổ chức nỗ lực vì một Quảng Trị bình yên, giàu đẹp hơn. Ai cũng mong muốn được góp phần nâng bước thêm nhiều học sinh nghèo Quảng Trị. Bởi, các em nhỏ chính là những chủ nhân tương lai, sẽ giúp mảnh đất một thời đau thương chuyển mình, đổi thay.

Cựu chiến binh Mỹ và đại biểu chụp ảnh lưu niệm với học sinh huyện miền núi Hướng Hóa trong buổi lễ trao xe đạp
Cựu chiến binh Mỹ và đại biểu chụp ảnh lưu niệm với học sinh huyện miền núi Hướng Hóa trong buổi lễ trao xe đạp

Thêm nhiều hành động ý nghĩa

Có một thế hệ người Mỹ từng sống với chiến tranh Việt Nam và mang nặng nhiều ký ức không thể nguôi ngoai. Có những cựu binh Mỹ đang khép lại quá khứ đau thương và hướng đến tương lai hòa bình hữu nghị bằng những nỗ lực hàn gắn không mệt mỏi. Ở Quảng Trị, chúng tôi đã bắt gặp những người Mỹ xắn tay trồng những cây xanh từ hố bom, từ hầm hào; bắt gặp những người Mỹ chung tay rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh; bắt gặp những người Mỹ hòa vang ca khúc “vì hòa bình”…

Năm 2020, đúng dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, UBND tỉnh Quảng Trị và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng Đoàn Ngoại giao Nhân dân PeaceTrees Việt Nam đã thực hiện ý tưởng trồng “Vườn cây hòa bình” tại cụm Di tích lịch sử Hiền Lương-Bến Hải. 

Và, Kem Hunter là một cái tên được nhiều người Quảng Trị nhớ mãi. Không phải ông là một cựu chiến binh từng tham gia quân đội Mỹ giai đoạn 1968 – 1969; mà ông, chính là một trong những người Mỹ lần đầu tiên trồng cây hòa bình ở Vĩ tuyến 17.

Ông Kem Hunter cho biết: Việc trồng cây ở hai bờ giới tuyến này, là hành động mang tính biểu tượng, cho thấy đất nước đoàn tụ trong hòa bình và người dân của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang làm việc cùng nhau để biến đất nước này thành một nơi tốt đẹp, góp phần làm cho thế giới tốt hơn.

Ca sĩ Kyo York (thứ 3, từ phải sang) trong đêm nhạc “Khúc ca Hòa bình”
Ca sĩ Kyo York (thứ 3, từ phải sang) trong đêm nhạc “Khúc ca Hòa bình”

Ngay sau khi Việt Nam - Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, “Cây Hòa Bình” là tổ chức phi Chính phủ đầu tiên của Mỹ đến Quảng Trị thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.

Từ đó đến nay, sau mỗi lần rà phá bom mìn ở nơi nào đó trên đất Quảng Trị, thì tổ chức "Cây Hòa Bình" đưa tới những phái đoàn ngoại giao công dân, bao gồm người Mỹ và người dân các nước khác đến trồng cây lên các vùng đất đã dọn sạch bom mìn, nguyện cầu hòa bình cho nhân loại và xây dựng lòng tin, vun đắp mối quan hệ với người dân Việt Nam.

Mới đây nhất, tại đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Khúc ca Hòa bình” trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, vừa diễn ra tối 13/7 tại Công viên Fidel (TP. Đông Hà, Quảng Trị) đã có nhiều tiết mục đặc sắc, ý nghĩa, tôn vinh giá trị của hòa bình. Đặc biệt hơn, tại chương trình này, hình ảnh ca sĩ Kyo York - một chàng trai người Mỹ - cất cao khúc ca hòa bình trên sân khấu, đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng nhiều khán giả yêu nhạc. Sự xuất hiện của anh, là minh chứng rõ ràng, cụ thể nhất cho tình yêu hòa bình, tinh thần thân ái và tình hữu nghị cao đẹp cần được vun đắp, gìn giữ giữa các quốc gia trên thế giới.

Nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và người dân “đất lửa” vẫn còn nhớ lời ông Chuck Searcy - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), Cố vấn quốc tế Dự án RENEW rằng: Sẽ dành quãng đời còn lại của mình cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Là đại diện Hội Cựu chiến binh của Hoa Kỳ, tôi sẽ kêu gọi những cựu chiến binh Mỹ đến đây để chiêm nghiệm, lan tỏa khát vọng hòa bình. Đây thực sự là việc làm rất ý nghĩa đối với cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam./.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.