Những ngày này, nhiều người dân ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước đang tập trung thu hoạch quýt hôi. Mùa thu hoạch quýt hôi từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau.
Tuy là loài cây dễ tính, nhưng do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chất lượng giống thấp, nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích. Những năm gần đây cây quýt hoi địa phương đã được huyện Bá Thước quan tâm phục tráng. Cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ, cây quýt hoi trên địa bàn đang dần được hồi phục và mang lại giá trị kinh tế.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước. Hiện trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng 60ha quýt hôi, trong đó được trồng tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm.
Nhận thấy quả quýt hôi mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương, UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Từ Liêm - Hà Nội) nghiên cứu, phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện đã lồng ghép các chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón để phát triển cây quýt trên địa bàn.
Những năm gần đây, nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm 1ha quýt có thể cho sản lượng 6 tấn, thu nhập 90 triệu đồng/ha. Cá biệt, có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn, cho thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha.
Đầu ra của quýt hôi đang được Công ty TNHH Puluong Cuisine thu mua để chế biến ra thành phẩm trà quýt hôi. Đây là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện, đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.