Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người lưu giữ trang phục dân tộc Nùng

Thúy Hồng - 10:41, 17/02/2020

Dù đã gần 60 tuổi nhưng ngày ngày, bà Lăng Thị Liên, ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn luôn tất bật cắt may trang phục dân tộc Nùng. Bà mong muốn gìn giữ trang phục dân tộc cho thế hệ con cháu mai sau.

Bà Lăng Thị Liên (bên phải) đang cắt may trang phục dân tộc Nùng cho bà con trong thôn
Bà Lăng Thị Liên (bên phải) đang cắt may trang phục dân tộc Nùng cho bà con trong thôn

Chúng tôi đến thăm nhà bà Lăng Thị Liên khi bà đang tất bật cắt may quần áo trang phục dân tộc Nùng cho bà con.

Vừa thoăn thoát cắt may, bà Liên vừa trò chuyện với chúng tôi. Bà bảo trang phục của người Nùng đơn giản, không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng; màu sắc trên trang phục cũng khá đa dạng, từ màu xanh nhạt đến xanh thẫm, tím than, xanh đen… nhưng phổ biến nhất vẫn là màu chàm. Nam giới mặc áo cổ đứng, xẻ ngực, có hàng cúc vải. Phụ nữ mặc áo 5 thân, cài cúc bên nách phải, không dài quá hông.

Theo phong tục, phụ nữ Nùng ở Tân Sơn thường mặc loại áo 4 thân. Áo ngắn 4 thân có cổ tròn, xẻ ngực, nẹp và gấu áo rộng, hai túi nhỏ ở vạt trước, cài một hàng cúc vải ở nẹp áo. Hoa văn trên cổ áo là những họa tiết hình vuông, hình quả trám, xếp thành hình tam giác liền kề nhau. Cổ áo trang trí bằng những mảnh vải nhiều màu sáng nhưng màu chính vẫn là màu chàm, cài một hàng cúc bằng nút vải bên nách phải.

Tuy trang phục đơn giản, nhưng vẫn cần phải kiên trì, khéo léo và tập trung, có những phần trang phục phải thêu bằng tay, không may được bằng máy, nên rất tốn công. Để làm một chiếc áo truyền thống của người Nùng phải mất 3 - 5 ngày.

Bà Liên cho biết, từ năm 15 - 16 tuổi, bà đã bắt đầu biết làm trang phục dân tộc. Trước đây, theo phong tục của dân tộc Nùng, khi con gái đi lấy chồng phải biết tự may bộ trang phục của dân tộc mình, mang về nhà chồng làm của hồi môn. Nhưng do ảnh hưởng của đời sống xã hội hiện đại, nhiều người không còn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống nữa, nên đã dần bị mai một.

Mấy năm trở lại đây, chính quyền địa phương bắt đầu khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc, khuyến khích bà con mặc trang phục dân tộc vào các dịp lễ, Tết, nên bà mở cửa hàng cắt may trang phục dân tộc cho bà con trong thôn. Vào dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, rất đông bà con đến nhà bà đặt may trang phục dân tộc.

“Tôi rất vui khi được làm những bộ trang phục dân tộc cho bà con. May trang phục cũng giúp tôi có thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng quan trong hơn là tôi có thể giúp lưu giữ được những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình cho thế hệ con cháu”, bà Liên vui vẻ nói.

Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Tân Sơn còn rất ít những người biết may trang phục truyền thống của dân tộc Nùng. Việc lưu giữ trang phục truyền thống của dân tộc Nùng như bà Lăng Thị Liên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn xã”. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.