Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người Lào trên đất Hà Tĩnh

Minh Thanh - 08:47, 21/04/2022

Gần một thế kỉ trước, những người Lào đã vượt dãy Trường Sơn đến định cư ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Những bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán của vùng đất mới đã từng là trở ngại lớn trên hành trình sinh cơ, lập nghiệp của họ. Nhưng, đó là chuyện đã xa. Hôm nay, một cuộc sống ấm no, đủ đầy đang hiện hữu dưới mái nhà của những người Lào.

Một góc bản Phú Lâm
Một góc bản Phú Lâm

Cuộc di tản “định mệnh”

Mỗi khi rảnh rỗi, ông Lê Văn Hòe (57 tuổi, tên Lào là Nai Hòe), lại kể cho  con cháu nghe về cội nguồn của dòng họ. “Ông bà nội tôi là người Lào chính gốc sang đây lập nghiệp và sinh được 3 người con là bố tôi và 1 chú, 1 cô. Tôi là thế hệ thứ 3 của người Lào Thưng ở đây và cũng là tộc trưởng của dòng họ Nai (cả ở Việt Nam lẫn Lào)”, ông Hòe chậm rãi.

Cội nguồn xa xăm ấy, lũ cháu, lũ con chỉ được biết qua lời kể; ngay bản thân ông Nai Hòe cũng vậy. Nhưng, đó là tất cả niềm tự tôn, tự hào của dòng họ Nai phía bên kia đất nước Triệu Voi.

Theo dòng hồi tưởng của ông Nai Hòe, chúng tôi hình dung ra một cuộc chạy loạn vượt dãy Trường Sơn những năm 1940 của thế kỉ trước. Thuở ấy, những người Lào ở đất nước Chăm Pa bị thực dân Pháp, phát xít Nhật áp bức, truy diệt nên nhiều người trong bộ tộc phải trốn chạy sang khu vực biên giới Việt Nam lánh nạn.

Nhưng rồi, nhiều người đã quay trở lại đất Lào sinh sống. Chỉ duy nhất vợ chồng ông Nai Mèo và bà Nai Sinh (ông bà nội của ông Nai Hòe) quyết định ở lại an cư, lạc nghiệp, duy trì giống nòi trên đất Việt Nam.

Ông Nai Hòe cùng con cháu
Ông Nai Hòe cùng con cháu

Từ “hạt giống” đầu tiên ấy, những người con dân tộc Lào ở Phú Lâm, đã lần lượt hạ sinh 5 thế hệ và trở thành một cộng đồng khá đông đúc, hội nhập tốt với người dân bản xứ.

Ông Nai Hòe tâm sự: Mọi người chúng tôi không bao giờ quên nguồn cội của mình nhưng vẫn luôn yêu quê hương hiện tại. Vì thế, trong cuộc sống, ai cũng có ý thức vươn lên để xây dựng bản làng ấm no.

Còn bà Nai Sen (tên Việt Nam là Lê Thị Sen) nói thêm: Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn về huyện Na Kai, tỉnh Khăm Muộn (Lào) thăm bà con. Mọi người bên ấy cũng luôn dang rộng vòng tay đón chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã coi Phú Lâm là quê hương thứ hai, nên luôn động viên con cháu ở lại Việt Nam sinh sống và làm ăn.

Học sinh ở điểm trường Phú Lâm luôn được giảng dạy về tình đoàn kết Việt - Lào và về cội nguồn dân tộc
Học sinh ở điểm trường Phú Lâm luôn được giảng dạy về tình đoàn kết Việt - Lào và về cội nguồn dân tộc

Cuộc sống mới trên đất Việt

Cuộc sống đói nghèo, lạc hậu trước đây đã được thay thế bằng sự sung túc, no đủ. Phú Lâm hôm nay đã rực rỡ sắc màu của cờ hoa, đường bê tông rộng rãi, những mô hình kinh tế vườn đồi hiệu quả, những ngôi nhà mái mới khang trang…

Thôn Phú Lâm có 121 hộ, với 427 nhân khẩu thì một nửa trong số đó là đồng bào dân tộc Lào. Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà con cư dân nơi biên giới và sự quan tâm, giúp đỡ thường xuyên của các cấp, các ngành nên bộ mặt thôn biên giới ngày càng khởi sắc. Phú Lâm đã có người học lên đại học, đã có người mua sắm được ô tô, có những mô hình kinh tế thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng…

Anh Lê Văn Báu trải lòng: Chúng tôi cảm ở Đảng, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm. Bà con ở Phú Lâm được quan tâm để có điện, có đường, được chia đất rừng, cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật… phát triển kinh tế. Riêng gia đình tôi, nhờ được mùa cam, gia súc nhiều, gà nhanh lớn… nên đã khấm khá hơn. Như sực nhớ ra, anh Báu “khoe”: Nhà mình đã mua được ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình rồi đấy. Vui lắm.

Mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định của gia đình anh Lê Văn Báu (bìa phải)
Mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định của gia đình anh Lê Văn Báu (bìa phải)

Còn gia đình ông Nai Hòe, đã có nguồn thu ổn định mỗi năm chừng 300 triệu đồng từ 10 ha rừng trồng, 16 con trâu bò, 250 gốc cam, 200 gốc bưởi, hàng chục con lợn…

Với gia đình anh Nguyễn Văn Thuận và chị Lê Thị Anh, niềm vui sướng hạnh phúc như nhân lên gấp bội. Hiện tại, ngoài mô hình kinh tế vườn đồi mỗi năm cho thu nhập chừng 250 triệu đồng, vợ chồng người Việt gốc Lào này đã có 2 con học lên đại học, trở thành hộ đầu tiên có con học lên cao. Đó là niềm tự hào của người Lào ở Phú Lâm khi một thế hệ mới lớn lên có trình độ, tri thức.

Trong tâm khảm người Lào ở Phú Lâm, họ chưa bao giờ quên nguồn cội. Lo sợ thế hệ cháu con sẽ quên mất tiếng Lào, quên mất văn hóa Lào; những người già nơi đây đã phục dựng, lưu giữ nét văn hoá, dạy tiếng Lào cho con trẻ. Và, những người lớn tuổi như ông Lê Văn Hòe (tên Lào là Nai Hòe), Lê Văn Mạo (tên Lào là Nai Mạo), Nguyễn Tiến (tên Lào là Nai Tiến)... là những nhân tố chính cho công cuộc dạy chữ Lào.

Cuộc sống mới no đủ đang đến với những người Lào ở Hà Tĩnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Phú lâm đã gần 50 triệu đồng mỗi năm. Hàng chục hộ có kinh tế khá và cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Hiện tại, thôn đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, đang chờ đánh giá, công nhận.

Thượng tá Phan Duy Vị, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia (Hà Tĩnh) cho biết: Nhiệm vụ bảo vệ biên giới và công tác chăm lo, giúp đỡ Nhân dân khu vực biên giới nói chung, đồng bào dân tộc Lào trên địa bàn nói riêng là trách nhiệm hàng đầu. Thật mừng, những cư dân nơi biên giới này, trở thành những hạt nhân tích cực nhất trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Quan trọng hơn, họ đã là cầu nối vun đắp tình đoàn kết Việt - Lào, là yếu tố để xây dựng tuyến biên giới Phú Gia hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.