Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người lan tỏa văn hóa dân tộc Dao nơi vùng đất Đại Từ

Mỹ Dung - CTV - 06:29, 29/07/2024

Bao năm qua, đội ngũ Người có uy tín không chỉ làm tốt việc vận động người dân tích cực phát triển kinh tế mà còn là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tại địa phương. Ông Bàn Đức Báo - “kho tàng” lưu giữ văn hóa dân tộc Dao tại thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là một trong những người như thế.

Đến nay, ông Bàn Đức Báo đang cất giữ gần 30 cuốn sách cổ
Đến nay, ông Bàn Đức Báo đang cất giữ gần 30 cuốn sách cổ

Ông Bàn Đức Báo sinh năm 1957, dân tộc Dao, xã Quân Chu (nay là phố Chiểm, thị trấn Quân Chu). Từ nhỏ, ông đã được cha truyền dạy văn hóa người Dao, viết chữ Dao và cứ thế tình yêu văn hóa của đồng bào mình cứ lớn dần trong ông. Lớn lên, ông Báo nhận thấy văn hóa dân tộc Dao rất đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, rồi cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc với nhiều giá trị độc đáo.

“Càng tìm hiểu càng thấy văn hóa Dao rất hay, phong phú và độc đáo lắm. Thế nhưng, theo thời gian nó ngày càng bị mai một dần. Nói thật, dù có cố gắng giữ gìn văn hóa Dao, nghi lễ Dao mà không giữ được tiếng nói Dao, chữ viết Dao thì sớm muộn văn hóa Dao cũng dần trôi vào lãng quên”, ông Báo chia sẻ những suy nghĩ của ông ngày ấy.

Do vậy, với những kinh nghiệm đã được truyền dạy, hơn 20 tuổi ông đã tìm đến các cụ thông thạo chữ nôm Dao để học thêm chữ và các bài thực hành nghi lễ trong các dịp lễ, Tết. Vừa học, ông vừa sưu tầm, tìm đọc sách, rồi chép lại. Đến nay, ông đang cất giữ gần 30 cuốn sách cổ: Nhân chi sơ, Ấu học và Sơ khai, Tích thời hiền văn, Minh tâm...

Từ số sách này, ông đã sao chép toàn bộ lại, rồi đóng quyển cẩn thận để lưu giữ cho đời sau. Cùng với việc sao chép giữ gìn những cuốn sách của người Dao, ông còn lưu giữ và thực hiện thành thạo kỹ năng thực hành nghi lễ cúng bái trong các dịp lễ, Tết của người Dao như: lễ thanh minh, cơm mới, cấp sắc, tết nhảy, lễ tơ hồng, lễ hạ điền, thượng điền...

Không những vậy, ông Báo cũng mở các lớp dạy chữ Dao miễn phí cho người dân ngay tại nhà. Học trò của ông cũng đủ lứa tuổi, từ già đến trẻ, để người học dễ dàng tiếp thu, ông cũng phân chia ra theo trình độ của từng người, mà dạy những nội dung khác nhau. Trước tiên là dạy chữ, những người đã biết chữ thì ông dạy các kiến thức về văn hóa Dao. Đến nay, ông đã dạy được hơn 20 học viên đọc thông, viết thạo chữ Dao và các nghi lễ của người Dao, những nét đặc trưng văn hóa Dao, các lễ nghi truyền thống, cách mặc trang phục của dân tộc.

Ông đã dạy được hơn 20 học viên đọc thông, viết thạo chữ Dao và các nghi lễ của người Dao
Ông đã dạy được hơn 20 học viên đọc thông, viết thạo chữ Dao và các nghi lễ của người Dao

Anh Triệu Văn Tuấn, một trong những học trò đã theo lớp học này từ lâu cho biết: “Thầy Báo tâm huyết, nhiệt tình, tỉ mỉ từng ly từng tý một ấy chứ. Mỗi người một trình độ khác nhau, người tiếp thu nhanh, người tiếp thu chậm, người học được ít, người học được nhiều... Có như thế mới cộng hưởng mọi người cùng giữ gìn và lan tỏa văn hóa dân tộc Dao tại địa phương mình chứ”.

Cùng với việc mở lớp truyền dạy văn hóa Dao, ông Bàn Đức Báo còn đứng ra thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Quân Chu (nay là thị trấn Quân Chu) để tập hợp những người yêu thích văn hóa Dao, tạo sân chơi cho bà con cùng nhau sinh hoạt, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Từ đó thắp lên “ngọn lửa” tình yêu cho con em đối với văn hóa đồng bào dân tộc Dao, để văn hóa Dao ngày càng lan tỏa.

Ông Bàn Đức Báo - Người lan tỏa văn hóa dân tộc Dao
Ông Bàn Đức Báo - Người tích cực lan tỏa văn hóa dân tộc Dao

Với những đóng góp đó, nhiều năm qua ông Bàn Đức Báo đã nhận được nhiều Giấy khen của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của huyện Đại Từ và nhiều Bằng khen của tỉnh Thái Nguyên. Đánh giá những cao những đóng góp của Người có uy tín Bàn Đức Báo tại địa phương, ông Đặng Lê Ninh, Bí thư thị trấn Quân Chu  cho biết: “Sau khi sáp nhập, hiện trên địa bàn thị trấn Quân Chu có khoảng 40% dân số là người DTTS, chủ yếu là người Dao. Trên địa bàn, nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của đồng bào vẫn được giữ gìn và phát huy. Trong đó, ông Báo là người rất tích cực, có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như lan tỏa văn hóa dân tộc Dao tại địa phương”.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.