Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Người lái đò” thầm lặng trên đỉnh Trường Sơn

Cao Anh - 18:43, 05/07/2023

Chưa từng nghĩ có ngày sẽ theo học chuyên ngành Sư phạm, ấy thế mà cô Nguyễn Thị Uyên Ly (SN 1977) lại bén duyên rồi gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao suốt 25 năm qua. Như người “lái đò” thầm lặng, cô đã chắp cánh cho những ước mơ của nhiều thế hệ học trò nghèo trên đỉnh Trường Sơn bay cao, bay xa…

Cô Nguyễn Thị Uyên Ly (ngoài cùng bên phải) trong Đoàn Chủ tịch Đại hội Công đoàn trường
Cô Nguyễn Thị Uyên Ly (ngoài cùng bên phải) trong Đoàn Chủ tịch Đại hội Công đoàn trường

Cô giáo Ly tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1998 và xung phong lên công tác tại Trường Tiểu học Tân Cảnh (sau này chuyển công tác về Trường Tiểu học thị trấn Đắk Tô, Kon Tum), đến nay đã gần 25 năm đứng lớp.

Trong ký ức, cô Ly vẫn nhớ như in buổi chiều thu cuối năm 1998, lần đầu trong hành trình ngược núi để đến xã vùng sâu nhận nhiệm vụ phổ cập mù chữ. Khi đó là mùa mưa, bùn đất dính vào bánh xe đặc quánh, xe chạy không nổi. Sau nhiều giờ phải gồng cứng tay lái, đôi tay của cô trở nên tê dại, có lúc tay lái loạng choạng, cả người và xe rơi vào thế chông chênh bên bờ vực.

Một lần khác, cũng đi vào bản dạy phổ cập, nhưng lại về xã vùng xa; ngoài chặng đường hơn 15 km băng rừng vượt dốc cao, vực sâu, đến điểm bản còn bị ngăn cách bởi con suối rộng vài chục mét. Vì là lần đầu chưa có kinh nghiệm, cô Ly liều mình lội qua dòng suối mà không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào. Khi ra đến giữa dòng, nước cao ngang ngực, cô Ly trượt chân bị nước cuốn trôi một đoạn. May mắn có thầy giáo dạy cùng trường cũng đang trên đường vào bản cứu giúp kịp thời.

Ở những bản làng vùng cao này, khi cái bụng chưa no, thì con chữ là điều rất xa xỉ với người dân. Bởi thế, để huy động được học sinh đến lớp, cô Ly và nhiều giáo viên khác đã phải cam kết với phụ huynh là sẽ lo sách vở đầy đủ cho con em họ, thậm chí lo cả quần áo, đồ ăn, thức uống... Không chỉ vậy, người dân chỉ cho con đi học buổi tối, còn ban ngày phải làm công việc nương rẫy. Suốt nhiều năm, các lớp phổ cập của cô giáo Ly chỉ diễn ra vào ban đêm.

“Để có ánh sáng cho bọn trẻ học, tháng nào tôi cũng phải mua dầu thắp sáng. Lương ngày ấy thì thấp, ban đầu là 600.000 đồng, sau này tăng lên gần 1 triệu đồng. Khi mua sắm được những thứ ấy rồi, thì việc đón được học sinh cũng rất khó khăn!”, cô Ly bộc bạch.

Chấp nhận cắm bản, hai con của cô Ly vì thế cũng chịu cảnh thiệt thòi. Suốt nhiều năm ròng rã, chúng thường xuyên xa mẹ. Chồng cô cũng là giáo viên dạy xa trung tâm huyện, tiền lương của anh dành cả cho việc chăm sóc con cái học hành. Nhiều khi phải hỗ trợ thêm vợ cho nên đôi lúc phải “giật gấu vá vai”… Thế nhưng, với mong muốn giúp học sinh biết đọc, biết viết, theo đuổi ước mơ con chữ và sau này trưởng thành, cô Ly đã nỗ lực hết sức mình.

Gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, nhiều năm liền cô Ly được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; trong đó: 10 năm liên tục (2012 - 2022) được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, và được UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen; 5 năm liền (2017 - 2022) là “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được Tỉnh ủy Kon Tum tặng Bằng khen. Năm học 2021 - 2022, cô giáo Nguyễn Thị Uyên Ly vinh dự đạt giải Nhất, tại Hội thi Cán bộ quản lý giỏi cấp trường lần thứ III do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức…

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Nguyễn Thị Kim Trâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ: Cô Nguyễn Thị Uyên Ly luôn tận tâm với nghề, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, nhất là trong việc đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh công tác chuyên môn, cô Ly luôn gần gũi học trò, chia sẻ, động viên giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì thế cô Ly luôn được các bậc phụ huynh và các thế hệ học trò yêu mến và ví như “người lái đò” trên đỉnh Trường Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.