Cháy mãi ngọn lửa đam mê
Con đường dẫn vào nhà nghệ nhân Y Thái Êban xuyên qua những vườn cà phê chín đỏ. Ngồi bên những pho tượng gỗ xếp gọn gàng trước hiên nhà với nhiều hình hài sinh động, mỗi pho tượng thể hiện sắc thái cảm xúc khác nhau, ông nói, “tôi thích tạc tượng từ khi còn nhỏ. Đó là niềm đam mê, tâm huyết nên chừng nào tay còn cầm được búa, rìu tôi còn làm tượng”.
Bố mất sớm, Y Thái lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, họ hàng và bà con buôn làng. Năm 9 tuổi, một lần thấy ông cậu tạc tượng một người đàn bà ngồi chống cằm cho gia đình trong buôn có chồng vừa mất. Nét mặt buồn khổ của bức tượng ám ảnh mãi trong tâm trí Y Thái. Cậu bé ấy hỏi mẹ, hỏi người già trong làm và biết rằng đó là phong tục truyền thống của người Ê Đê, khi người đàn ông mất sẽ tạc tượng người phụ nữ để ở nhà mồ và ngược lại khi người đàn bà mất họ tạc tượng người đàn ông. Bức tượng đó thể hiện nỗi buồn, sự thương nhớ của sống với người đã mất. Y Thái thích thú ngày ngày lẽo đẽo theo ông cậu rong ruổi khắp buôn làng tạc tượng nhà mồ.
Ngày đó, không có khái niệm học nghề, mà chủ yếu bắt chước, nhìn người lớn đục, đẽo rồi ghi nhớ và làm theo. Mỗi khi đi rẫy thấy khúc gỗ nào có thể làm tượng, Y Thái lại mang về dùng rìu đẽo, cầm đục để đục, lấy dao gọt. Hồi đầu tay chân lóng ngóng, không điều khiển theo ý mình nên rất hao gỗ, cứ hư cái này lại làm cái khác. Kiên trì mày mò, cuối cùng Y Thái cũng làm được. “Bây giờ thì chỉ cần nhìn khúc gỗ, nghe ý tưởng của gia chủ, khách hàng, hoặc từ ý tưởng của bản thân là tôi đã có thể tự tính toán để làm nên bức tượng hoàn chỉnh”, nghệ nhân Y Thái chia sẻ.
Đối với nghệ nhân Y Thái, tạc tượng là hơi thở, là cuộc sống, và trên hết là giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc mình. Điều quan trọng nhất của tác phẩm không phải là sự chuẩn xác của kích thước, mà chính là ý nghĩa được gửi gắm vào trong bức tượng. Điểm đặc biệt nhất trong các bức tượng chính là sự biểu đạt trên khuôn mặt. Nó không những thật mà phải còn giàu cảm xúc, khi nhìn vào, người xem ngầm hiểu được thông điệp bức tượng mang lại.
Đến nay, nghề tạc tượng đã mang lại thu nhập khá cho nghệ nhân Y Thái. Nhưng với ông niềm vui lớn nhất là tượng gỗ dân gian ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các ngôi nhà và lễ hội cộng đồng. Vì vậy, bao năm qua, nghệ nhân Y Thái cứ thế rong ruổi khắp các buôn làng tạc tượng cho khách chẳng nề hà đường xá xa xôi.
Tượng gỗ cũng có linh hồn
Tạc tượng gỗ dân gian không cần bản vẽ phác họa, không máy móc hỗ trợ, người nghệ nhân tưởng tượng trong đầu rồi dùng rìu, đục, dao... người tạc tượng tỉ mỉ đẽo, gọt biến những khúc gỗ vô trì thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Nâng niu bức tượng “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng” trên tay, nghệ nhân Y Thái bảo: “đây là bức tượng đầu tiên tôi đi dự thi và đạt giải Nhì trong Hội thi tạc tượng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột. Đó là bước ngoặt quan trọng để mọi người biết đến tôi”. Bức tượng thể hiện lễ cúng sức khỏe, một nghi lễ quan trọng của người Ê Đê, mang ý nghĩa về tín ngưỡng, thể hiện công việc và sự tôn trọng đối với thầy cúng, người được bà con tin cậy, có thể giao tiếp với thần linh, giúp bảo vệ họ khỏi ma quỷ và cầu xin đến Yang cho mùa màng bội thu.
Nghề tạc tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên đang dần mai một, ông Y Thái là nghệ nhân hiếm hoi của tỉnh Đắk Lắk còn giữ ngọn lửa đam mê với nghề. Nghệ nhân Y Thái được nhiều người dân, doanh nghiệp du lịch, kinh doanh dịch vụ đặt hàng ông làm tượng và luôn được tỉnh chọn làm đại diện đi thi tạc tượng ở các tỉnh khác.
Mỗi bức tượng là câu chuyện được ông tả trên từng thớ gỗ, chuyển tải đến mọi người thông điệp đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt của người Tây Nguyên. Điển hình như bức tượng cô gái trên lưng rùa, mô phỏng theo tích dân gian của người Ê Đê về một cô gái nhà giàu ra suối tắm, tưởng rằng mình đứng trên tảng đá, đến khi con rùa bơi qua bên kia suối cô gái mới biết mình đứng trên lưng một con rùa khổng lồ.
Nghệ nhân Y Thái bảo, “tôi tạc tượng theo ý nghĩa từng tháng, bởi vì khung cảnh sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên rất rõ ràng, mỗi mùa có lễ cúng khác nhau. Tháng 3, 4 tượng gắn với các lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe, đi thăm rẫy; tháng 5,6 tượng gắn với trồng tỉa lúa, cúng cho cây lúa, lễ tra hạt…”. Bức tượng “Đi thăm rẫy” đạt giải Nhất Hội thi tạc tượng Hội thi tạc tượng được tổ chức tại tỉnh Kon Tum. Bức tượng thể hiện hình tượng người đàn ông vác sà gạc cùng vợ địu con nhỏ phía trước, gùi cơm nước phía sau cùng lên rẫy với chồng.
Chớm tuổi xế chiều, Nghệ nhân Y Thái đau đáu nỗi niềm truyền cảm hứng bảo tồn, truyền nghề cho thế thệ trẻ. Điều tự hào nhất ông chính là có thể truyền cảm hứng đam mê tạc tượng cho 2 người con trai. Dù mới ở độ tuổi thiếu niên nhưng các con của ông cũng đã bộc lộ được năng khiếu, có thể đục, đẽo tạo nên những bức tượng gỗ đơn giản. Ngoài ra, ông còn truyền nghề cho 6 người trên địa bàn thành phố. “Tôi vừa hướng dẫn họ tạc tượng, vừa để họ phụ việc cho mình rồi trả tiền công để họ có thu nhập, có động lực. Chỉ cần có đam mê, sự kiên nhẫn ai đến học tôi cũng dạy. Năm tới đây tôi sẽ tổ chức một lớp truyền nghề cho các bạn trẻ”, nghệ nhân Y Thái nói.
Ông Bùi Văn Hượng, cán bộ văn hóa xã Ea Tu cho biết: Trên địa bàn xã chỉ còn nghệ nhân Y Thái giữ nghề tạc tượng. Ông không chỉ bảo tồn nghề truyền thống mà còn phát huy giá trị văn hóa, giới thiệu đến du khách các phong tục, tập quán của đồng bào Ê Đê thông qua các tác phẩm của mình. Chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ để nghệ nhân có thêm động lực giữ nghề và truyền nghề cho mai sau.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trong tổng số 11.835 nghệ nhân các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh thì nghệ nhân tạc tượng hiện có 312 người, trong đó TP.Buôn Ma Thuột có 2 người.