Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

Người giữ rừng trên cao nguyên đá Đồng Văn

PV - 14:57, 24/01/2018

Trên cung đường dài tới 160 km từ TP. Hà Giang lên cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là dòng sông Nho Quế và những vực sâu thăm thẳm, một bên toàn vách núi đá tai mèo nhọn hoắt cheo leo giữa những cánh rừng tái sinh cùng những thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao.

Thật ngỡ ngàng khi đặt chân xuống trung tâm phố huyện lại có một cánh rừng nguyên sinh, với những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Chủ nhân của cánh rừng đó chính là của ông Lương Huy Ngò, 70 tuổi, dân tộc Tày trú tại phố Cổ, xóm Quyết Tiến, thị trấn Đồng Văn.

Rừng truyền đời
Nhà tường trình cổ ở thị trấn Đồng Văn. Nhà tường trình cổ ở thị trấn Đồng Văn.

 

Gia đình ông Lương Huy Ngò sinh sống trong ngôi nhà tường trình đã hàng trăm năm tuổi phía dưới cánh rừng nguyên sinh duy nhất của thị trấn Đồng Văn mà người dân nơi đây thường gọi là khu “Rừng Làng Nghiến”.

Theo lời kể thì đời ông đã là đời thứ 6 của dòng họ Lương đến sinh cơ, lập nghiệp đầu tiên trên vùng đất này, nên ông là người biết rõ từng thời kỳ lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.

Nói về cánh rừng nguyên sinh của gia đình, ông Ngò rất tự hào: “Cánh rừng không lớn lắm chỉ khoảng trên 2ha, nhưng có lẽ là cánh rừng nguyên sinh duy nhất giữa thị trấn Đồng Văn này. Từ khi tôi còn nhỏ tuổi cho đến bây giờ gia đình tôi chưa khi nào chặt hạ một nhánh cây trên cánh rừng”.

T6_4
Ông Lương Huy Ngò và cánh rừng nguyên sinh toả màu xanh mướt mát. Ông Lương Huy Ngò và cánh rừng nguyên sinh toả màu xanh mướt mát.

 

Vì thế đã trải qua hàng thế kỷ mà cánh rừng vẫn còn nguyên những cây gỗ quý như: Sến, táu, nghiến… to tới vài người ôm và hàng chục loại chim muông quý hiếm đang sinh sôi trong đó.

Ông Ngò chia sẻ: Vào khoảng những năm đầu thế kỷ 19 những người dân tộc Tày họ Lương từ nơi khác về đây sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu nơi này còn là vùng núi hoang vu. Nhưng rừng chính là nơi che chở gió bão, ngăn lũ quét, đặc biệt rừng giữ nguồn nước-yếu tố quan trọng nhất cho sản xuất nông nghiệp.

Có nước thì cây trồng mới tươi tốt bội thu, mới có thể tồn tại và sinh cơ lập nghiệp ở nơi khí hậu khắc nghiệt này...Vì vậy, nhận thấy vai trò của rừng rất quan trọng nên các thế hệ trước đều có chung ý thức phải gìn giữ, bảo vệ và phát triển rừng.

Một ý nghĩa tâm linh khác đối với đồng bào dân tộc vùng cao đó là mỗi một cánh rừng đều có vị thần cai quản. Hàng năm cứ vào dịp đầu Xuân, người dân lại tổ chức lễ cúng Thần Rừng để cầu mong Thần Rừng phù hộ che chở cho dân làng. Bên cạnh đó cũng nhắc nhở mọi người trong việc bảo vệ rừng, làm cho rừng thêm sinh sôi, nảy nở.

Đời này sang đời khác, chuyện cúng rừng đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tinh thần và tín ngưỡng thiêng liêng của người dân nơi đây.

Thế nên, ngôi nhà hiện gia đình ông đang ở, được xây dựng vào những năm 1860 cũng không được lấy gỗ từ cánh rừng sau nhà để làm nhà.

Sau này, chính cha ông cũng nhiều lần dặn dò các con: “Gia đình ta có ba thứ mà các cụ đã để lại, các con phải gắng giữ gìn, đó là những thửa ruộng bậc thang, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài; ngôi nhà cổ là nơi sinh sống và cánh rừng phía sau là nơi che chở cho cả gia đình ta nên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được xâm phạm”.

“Của hiếm” cần bảo vệ

Mặc dù có những lúc kinh tế khó khăn, thiếu thốn, nhiều con buôn gỗ đã tìm đến trả hàng chục triệu đồng một cây nếu bán có thể mua gạo ăn cả năm, nhưng lần nào cũng vậy họ chỉ nhận được cái lắc đầu của ông.

Đến cả những cột trong ngôi nhà cổ qua thời gian đã hư hỏng, xuống cấp, con cháu ông có ý muốn tìm một vài cây trên cánh rừng để thay thế nhưng ông nhất quyết không đồng ý. Con cháu ông có thể đi mua những loại cây khác thay thế chứ nhất định ông không cho chặt một cây nào trên cánh rừng nguyên sinh.

“Tôi chỉ thu lượm những cành củi khô rơi xuống và trông coi cánh rừng. Bởi tôi vẫn luôn tâm niệm một điều không khi nào xâm phạm đến cánh rừng mà cha ông để lại”, ông Ngò cho biết.

Càng quý hơn khi biết cánh rừng là của hộ gia đình nhưng được giữ gìn cẩn thận, là cánh rừng nguyên sinh duy nhất trên công viên địa chất toàn đá là đá vẫn có cánh rừng xanh ngát bao phủ. Vào mỗi buổi sáng, giữa trung tâm thị trấn vẫn nghe tiếng chim rừng hót líu lo, tiếng sóc, chồn lích rích dưới gốc.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây ông Ngò tuổi đã cao, sức khỏe yếu, các con lại công tác bận rộn nên ông không thể thường xuyên có mặt trên cánh rừng để trông coi như trước.

Một số thanh niên trong thị trấn đã nhân lúc ông không có mặt đã đặt bẫy bắt muông thú. Rồi việc bảo vệ rừng trong mùa khô khi 6 tháng không có mưa, chỉ cần đốm lửa nhỏ cũng có thể cánh rừng đã tồn tại bao năm cháy thành tro là những điều ông lo lắng, trăn trở.

“Tôi chỉ mong cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ để cho mãi đời sau bởi diện tích rừng không còn nhiều, ngày càng bị thu hẹp, nhất là lại ở giữa trung tâm thị trấn này”-ông Ngò tâm sự.

Cùng trăn trở với cánh rừng quý trên, ông Lương Chiều Đông-Trưởng thôn Quyết Tiến bộc bạch: “Cánh rừng đã tạo cảnh quan tự nhiên, hài hòa giữa cao nguyên đá Đồng Văn.

Nếu kết hợp được việc bảo vệ và giữ gìn cánh rừng cùng với bảo tồn khu nhà cổ và thăm quan Công viên địa chất đá toàn cầu sẽ là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước để ngành Du lịch phát triển”.

Tôi chỉ mong cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ để cho mãi đời sau bởi diện tích rừng không còn nhiều, ngày càng bị thu hẹp, nhất là lại ở giữa trung tâm thị trấn này”.ông Lương Huy Ngò

DOÃN KIÊN

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.