Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người “giữ lửa” văn hóa Cơ Ho

Thảo Linh - 20:31, 31/03/2024

Người đàn ông cầm bản thảo say sưa hát bài đồng dao bằng tiếng Cơ Ho cho mọi người nghe. Nhìn ông say sưa hát, người nghe cũng cảm nhận được phần nào những tình cảm, cũng như tấm lòng, tinh thần trách nhiệm mà ông đã dành cho dân tộc Cơ Ho, cho buôn làng mình.

Ông K’Điệp luôn đau đáu với văn hóa dân tộc Cơ Ho
Ông K’Điệp luôn đau đáu với văn hóa dân tộc Cơ Ho

Đó là ông K’Điệp, sinh năm 1959, ngụ tại thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tôi đã gặp ông K’Điệp nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên được nghe ông hát bằng tiếng Cơ Ho: “Krok krek kòn tàm nrau. Poh nhai phàm kòn wì nrau. Jì mơ po\ kòn krung nrau. Yung nrau rơbàng nrau… Tơbồt bồ lu\ ka par nrao. (Rọt rẹt tiếng con cua ngáy. Bảy tháng tám tiếng con chồn kêu. Mùa cày cuốc tiếng con chim hót. Cầu lắc lẻo tiếng kêu kẽo kẹt… Giữa cù lao đá, cá suối kêu). Mặc dù ca từ của bài đồng dao khá dài do chính ông K’Điệp đã dày công sưu tầm được, nhưng tôi chỉ trích lại một đoạn ngắn. Nhìn ông K’Điệp hát, người nghe cũng cảm nhận được phần nào những tình cảm, cũng như tấm lòng, tinh thần trách nhiệm mà ông đã dành cho dân tộc Cơ Ho, cho buôn làng mình.

Năm 1980, K’Điệp bước vào nghề làm phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để K’Điệp đi nhiều vùng miền, buôn làng, được tiếp xúc nhiều người, nhất là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ngoài làm chuyên môn, K’Điệp dành thời gian tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Cơ Ho.

Trong số 47 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, người Cơ Ho có trên 175 ngàn người, chiếm trên 13,5% dân số của toàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở huyện Di Linh. K’Điệp nghĩ: Là người con của dân tộc Cơ Ho, phải có ý thức, trách nhiệm sưu tầm, lưu giữ lại các ca dao, tục ngữ, truyện cổ, … của dân tộc mình. Sau hơn 10 năm công tác ở Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, vì điều kiện gia đình, K’Điệp lại trở về với quê hương, phụ trách công tác văn hóa của xã Tam Bố, huyện Di Linh.

 Mặc dù thay đổi công việc, K’Điệp không để gián đoạn việc sưu tầm văn hóa dân tộc. Sau hàng chục năm rong ruổi các buôn làng người Cơ Ho, tìm hiểu, gom nhặt, ghi chép, tổng hợp một cách cẩn thận có chọn lọc, đến nay, ông đã sưu tầm được 27 bài là các làn điệu dân ca như hát Yal yau, hát Dam klềr, hát Reng, hát Ơ mờl lơi, hát Bê bêl và các bài ca dao, tục ngữ khác đậm chất văn hóa Cơ Ho. Thông qua việc sưu tầm, ông K’Điệp mong muốn các già làng, nhân sỹ trí thức, nghệ nhân, cùng với mình sưu tầm văn hóa dân gian của dân tộc thiểu số tại chỗ ở địa phương mình nhằm truyền lại cho thế hệ sau. Ông chỉ mong sao đừng để nó phai nhạt theo thời gian.

Ông K’Điệp còn cùng các nghệ nhân trong buôn làng ở xã Tam Bố, hướng dẫn và dạy cho các bạn trẻ cách đánh cồng chiêng, thổi khèn bầu… Vì tiếng cồng, tiếng chiêng như là máu thịt, gắn liền với đời sống sinh hoạt lẫn tâm linh của đồng bào Cơ Ho. Hiện tại, ở thôn 4 (nơi ông K’Điệp sinh sống) đã thành lập được đội cồng chiêng. Cứ vào dịp lễ hội, ông K’Điệp cùng các nghệ nhân trong buôn làng đi biểu diễn tại các buôn làng khác ở trong huyện, trong tỉnh; thậm chí đi biểu diễn ở các tỉnh, thành khác trong nước.

Không những thế, ông K’Điệp còn tham gia biên soạn cuốn tài liệu dạy và học tiếng Cơ Ho. Với vốn hiểu biết của mình, cùng với quá trình lâu dài được tiếp cận thực tế với nhiều buôn làng của đồng bào dân tộc Cơ Ho, ông K’Điệp hiểu rõ cách phát âm, dùng từ của từng địa phương, từng hệ nhánh thuộc dân tộc Cơ Ho như: Cơ Ho Srê, Cơ Ho Cil, Cơ Ho Lạch, Cơ Ho T'ring, Cơ Ho Nộp và Cơ Ho Cờ Dòn. Từ đó, ông cùng với những người tham gia biên soạn nỗ lực hết mình, chắt lọc ra những ngôn ngữ phát âm một cách chuẩn nhất, phổ thông nhất, đại diện chung cho dân tộc Cơ Ho. 

Với sự chung tay của ông K’Điệp, cuốn tài liệu dạy và học tiếng Cơ Ho đã được đưa vào giảng dạy. Từ năm 2004 đến nay, ông K’Điệp còn tham gia đứng lớp dạy tiếng Cơ Ho cho nhiều cán bộ, công chức và cán bộ cơ sở cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; giúp cho cán bộ người Kinh thuận lợi trong việc giao tiếp với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ảnh xấu - Buôn làng người Cơ Ho đang từng ngày phát triển
Buôn làng người Cơ Ho đang từng ngày phát triển

Tôi hỏi: “Ông thấy lớp trẻ người Cơ Ho hiện nay ứng xử như thế nào với văn hóa truyền thống của dân tộc mình?”. Một phút trầm ngâm, ông K’Điệp chậm rãi nói: “Cũng có cháu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống của cha ông mình, nhưng phần lớp trẻ người Cơ Ho ít khi quan tâm đến văn hóa bản địa. Nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên không biết ngôn ngữ của dân tộc mình. Chính vì thế, bản thân tôi cũng như các nhân sỹ trí thức, các nghệ nhân người Cơ Ho cần nỗ lực hơn nữa, phải có trách nhiệm bồi dưỡng, hướng dẫn, đào tạo cho lớp trẻ, để văn hóa người Cơ Ho mãi tồn tại và phát triển”.

Ông K’Điệp không chỉ là nghệ nhân văn hóa mà còn là Người có uy tín trong cộng đồng người Cơ Ho ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Ông K’Điệp không chỉ là nghệ nhân văn hóa mà còn là Người có uy tín trong cộng đồng người Cơ Ho ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Tôi hiểu và đồng quan điểm với ông K’Điệp, không riêng gì thế hệ trẻ dân tộc Cơ Ho mà các dân tộc thiểu số khác ở vùng đất Nam Tây Nguyên này cũng vậy. Cuộc sống tiện nghi, hiện đại đã len lỏi vào từng nóc nhà, từng buôn làng, nên bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ít nhiều bị chi phối và đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian.

Không chỉ là nghệ nhân văn hóa, ông K’Điệp còn là Người có uy tín trong cộng đồng. Ông thường xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tâm tự nguyện vọng của bà con; tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia hiến đất, hiến rẫy mở đường giao thông nông thôn. Đồng thời, ông K’Điệp còn vận động người dân trong buôn làng từ bỏ các tập tục lạc hậu như trong cưới hỏi, ma chay; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; vận động người dân không sinh con thứ 3, chú trọng làm ăn kinh tế gia đình, thực hiện nếp sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng no ấm.

Ông K’Lào, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Di Linh cho biết thêm: “Ông K’Điệp là người hết lòng vì buôn làng người Cơ Ho. Trong thời gian công tác cũng như lúc đã nghỉ hưu, ông luôn nỗ lực hết mình trong mọi công việc, nhất là việc lưu giữ và phát huy văn hóa Cơ Ho. Ngoài ra, ông K’Điệp là "cầu nối" giữa bà con trong buôn làng với các cấp chính quyền, góp phần thực hiện tốt các phong trào hoạt động ở địa phương”.

Năm nay, ông K’Điệp đã 65 tuổi, nhưng công việc “lưu giữ và truyền lửa” văn hóa dân tộc Cơ Ho cho thế hệ trẻ vẫn tiếp diễn. Những suy nghĩ, việc làm của ông K’Điệp xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm, khó đo đếm bằng những con số cụ thể, nhưng đã khẳng định bằng niềm tin và sự kính trọng của đồng bào dân tộc Cơ Ho dành cho ông suốt những năm tháng đã qua.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.