Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người gìn giữ văn hóa dân tộc Co

Nguyễn Văn Sơn - 10:03, 29/06/2021

Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Trà Kót, có dịp gặp gỡ già Trần Văn Trân, chúng tôi được nghe chuyện về già Trân người được cho là bao năm qua luôn sống trọn với niềm đam mê, nhiệt huyết và ước nguyện để gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Co.

Già Trần Văn Trân (người ngồi cầm micro) tại Lễ Cầu mưa và thả cá sông Tranh huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tháng 2/2019.
Già Trần Văn Trân (người ngồi cầm micro) tại Lễ Cầu mưa và thả cá sông Tranh huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tháng 2/2019.

Già Trân (80 tuổi), dân tộc Co ở thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) có dáng người cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt đôn hậu. Già Trân kể, tuổi thơ của già sinh ra và lớn lên rồi gắn bó với núi rừng Trà My, nương rẫy, nay ngọn núi này, mai quả đồi khác theo tập quán du canh, du cư.

Già yêu những mùa lễ hội của làng trong tiếng cồng chiêng, yêu tiếng sáo ta lía, đàn vơró, vui vẻ bên ché rượu cần và những phong tục tập quán quen thuộc của dân tộc mình qua điệu múa kađấu và những làn điệu dân ca Co mộc mạc, trữ tình. Nên từ khi lên 10 tuổi, già đã được những người già trong làng truyền dạy cách làm dây Nài trâu (vơrá gấc ốpiêu). Đây là phần để lồng vào cổ con vật hiến sinh trâu, đến làm cây nêu (Gơr ố) và thực hiện nghi thức dựng cây nêu trong Lễ Cúng cầu mưa, Lễ Mừng được mùa, nghi thức cúng hiến sinh trâu, thường gọi là lễ ăn trâu huê, thực hiện nghi lễ Tết mùa... và nghệ thuật đấu chiêng, thấm dần vào máu thịt của già lúc nào không hay.

Lớn lên và nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, với niềm say mê, tình yêu mãnh liệt với văn hóa dân tộc mình, già Trân là người tham gia rất nhiệt tình và nhanh nhẹn như con chim rừng trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng. Được biết, mỗi khi các gia đình trong thôn có lễ hội, già Trân đi khắp các thôn giúp cho gia chủ thực hiện nghi lễ truyền thống.

Mỗi khi nhắc đến già Trân, cán bộ và người dân trong thôn 1 và cả xã Trà Kót đều thể hiện sự kính trọng, quý mến bởi già am hiểu tường tận các phong tục tập quán và những nét văn hóa độc đáo của người Co. Sự gần gũi, giản dị, chân thành của già Trân đã tạo thêm niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho đồng bào dân tộc Co nơi đây. Già Trân thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc Co phải biết yêu quý vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, bảo tồn, lưu giữ và tiếp nối công tác truyền dạy cho thế hệ sau.

Đội văn nghệ của thôn 1 là một trong những đội tiêu biểu của xã Trà Kót, do già Trân làm tổ trưởng, thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn trong ngày hội văn hóa các dân tộc miền núi của huyện, tỉnh và tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Dưới sự dẫn dắt của già Trân, Đội văn nghệ thôn 1 đã vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong đợt biểu diễn tại Làng Văn hóa Đồng Mô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Già Trần Văn Trân (mặc áo xanh đậm đứng chính giữa), cùng các nghệ nhân trong thôn 1 trang trí cho cây nêu.
Già Trần Văn Trân (mặc áo xanh đậm đứng chính giữa), cùng các nghệ nhân trong thôn 1 trang trí cho cây nêu.

Tại “Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các DTTS Việt Nam” trong Chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi cũng gặp già Trân đang hối hả cùng các nghệ nhân hoàn tất trang trí dựng cho cây nêu, đến thực hiện Lễ Cầu mưa và thả cá sông Tranh tháng 2/2019 tại lòng hồ Thủy điện sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My... mới biết những cống hiến của già Trân đối với văn hóa dân tộc Co.

Hiện nay, văn hóa truyền thống của các DTTS ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My đang bị mai một dần theo thời gian và sự ảnh hưởng ồ ạt từ các luồng văn hóa khác. Văn hóa truyền thống của dân tộc Co không còn mấy hấp dẫn với giới trẻ. Bên cạnh đó, số người biết sử dụng cồng chiêng hay đàn vơró, sáo ta lía, múa ka đấu hiện nay phần lớn đã lớn tuổi và còn lại rất ít. Do đó, nguy cơ mai văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Co là điều khiến già Trân không khỏi lo lắng.

Già Trần Văn Trân luôn trăn trở bây giờ cuộc sống hiện đại với nhiều điều mới mẻ, nên người Co rất dễ quên đi truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, già Trân luôn nhắc nhở thế hệ trẻ dân tộc Co về tầm quan trọng văn hóa dân tộc, cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Già Trân là biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Co nơi đây. Quả thực, không có những người như già Trần Văn Trân thôn 1, xã Trà Kót thì những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Co để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.