Làng Leng hiện có 73 hộ (chủ yếu là người Ba Na) nhưng có tới 3 đội chiêng chính: Đội chiêng nam, đội chiêng nữ và đội chiêng nhí. Người dân trong làng ngoài giờ lên nương rẫy, lúc rảnh rỗi họ lại hẹn nhau đến nhà rông để tập luyện cồng chiêng.
Người làng Leng cho biết, đã có thời gian cồng chiêng của làng bị mất dần, phần vì chiến tranh mà lưu lạc, phần vì người dân bán đi để lấy tiền. Người biết đánh chiêng cũng ít dần, chủ yếu là những người đàn ông lớn tuổi. Sau này, nhờ có chàng thanh niên Đinh Plih tâm huyết với cồng chiêng đã đứng lên nhờ già làng và Người có uy tín vận động, kêu gọi dân làng tập đánh chiêng. Từ đây, âm thanh cồng chiêng ở làng Leng từng bước được phục hồi. Người già truyền cách đánh chiêng cho người trẻ, người thạo chơi chiêng truyền cho người chưa biết, đến nay mọi người dân ở làng Leng đều biết đánh chiêng.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà rông của làng, chị Đinh Thị Khop, Đội trưởng Đội chiêng nữ làng Leng hào hứng khoe: “Cồng chiêng của làng được cất ở nhà rông để dân làng tập trung về đây tập luyện. Trước đây, đàn bà trong làng chỉ múa xoang trong đội chiêng thôi. Nhưng nhiều lần đi biểu diễn, chị em thấy đàn ông đánh chiêng điệu nghệ nên rất thích, cũng muốn đánh chiêng giống như đàn ông. Năm 2015, làng đã thành lập đội chiêng nữ để chị em được tập luyện và biểu diễn cồng chiêng”.
Đội chiêng nữ làng Leng gồm chị em phụ nữ, độ tuổi từ 24 - 26 tuổi. Những ngày đầu mới thành lập, chị em sau những ngày lên nương, tối về lại tụ tập đến nhà rông để tập luyện đánh chiêng. Được các nghệ nhân nam Đinh Jram, Đinh Yep... chỉ dạy tận tình, đến nay, đội chiêng nữ đã thuần thục hầu hết các bài chiêng truyền thống như Mừng lúa mới, Lễ đóng cửa kho... Đội chiêng nữ làng Leng đã nhiều lần được mời đi biểu diễn các sự kiện văn hóa tại địa phương.
Bà Đinh Thị Byer (60 tuổi), là một trong những thành viên tích cực của đội chiêng nữ. Bà bộc bạch: “Mình học cồng chiêng từ chồng đấy! Ngày xưa vì mê tiếng chiêng nên nhận lời lấy ông ấy. Khi đội chiêng nữ thành lập, ông già (chồng) cùng một số đàn ông trong làng đứng lên dạy cho phụ nữ cách đánh chiêng. Nhờ có chiêng mà dân làng mình đoàn kết và yêu thương nhau hơn. Đến nay, đội chiêng nữ có thể vừa đánh chiêng, vừa múa xoang, còn nếu đàn ông đánh chiêng thì phụ nữ sẽ nhận nhiệm vụ múa xoang.”
Chị Khop, Đội trưởng Đội chiêng nữ chia sẻ thêm, chị em trong làng ai cũng thích đánh chiêng. Vì âm nhạc cồng chiêng giúp chị em xua tan mệt mỏi. Chị em thích đi biểu diễn vì được mặc trang phục truyền thống và rất vui khi được khen ngợi. Cũng như đàn ông, phụ nữ làng Leng cũng muốn góp sức để giữ gìn văn hóa truyền thống mà cha ông để lại. Những ngày hội, ngày lễ… của làng thường kéo dài mất mấy ngày, chị em học đánh chiêng cũng là đỡ một phần công việc cho đàn ông trong làng.
Nhận xét về đội chiêng nữ làng Leng, ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung cho rằng, không chỉ tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, người dân làng Leng còn giữ gìn rất tốt nền văn hóa truyền thống. Hầu hết người làng Leng ai cũng biết đánh chiêng. Ngoài ra, họ còn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống. Để giúp người dân giữ gìn bản sắc dân tộc của mình, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, vận động, tuyên truyền bà con duy trì, bảo tồn văn hóa. Đồng thời, xã cũng hỗ trợ kinh phí để giúp bà con có thêm động lực để bảo tồn văn hóa truyền thống.
Có thể nói, người dân làng Leng là những nhân tố điển hình trong việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của người Ba Na vùng Đông Trường Sơn. Nếu như đàn ông đánh chiêng thể hiện được cái chất của người Tây Nguyên phóng khoáng, khỏe khoắn thì hình ảnh người phụ nữ đánh chiêng lại uyển chuyển, nhẹ nhàng, không kém phần thu hút. Bức tranh về đội chiêng nữ làng Leng đã góp phần tô thêm những sắc màu văn hóa của người Ba Na nơi đây.
Đặc biệt hiện nay, làng Leng có 9 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực: Đan lát, dệt thổ cẩm, dân ca, dân vũ, cồng chiêng được mời ra Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) để tham gia trình diễn, giới thiệu văn hóa truyền thống của người Ba Na cho du khách tham quan được chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, người dân làng Leng còn giữ gìn rất tốt nền văn hóa truyền thống. Hầu hết người làng Leng ai cũng biết đánh chiêng. Ngoài ra, họ còn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống. Để giúp người dân giữ gìn bản sắc dân tộc của mình, chính quyền địa phương cũng thường xuyên quan tâm, vận động, tuyên truyền bà con duy trì, bảo tồn văn hóa”.
Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Tơ Tung