Nghệ nhân đa tài
Ai đã từng đến Phà Lài, từng đi thuyền trên sông Giăng thì khó mà quên được những làn điệu dân ca của dân tộc Thái nơi đây. Những “Hội lồng tồng”, “Cầu mưa”, “Cầu may” và nhất là được nghe khúc đồng giao “Ông trăng”... thì cứ “mắc mớ” mãi với Môn Sơn. Đó là những tác phẩm được Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp sưu tầm, biên soạn, dàn dựng, trình diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ông Nghiệp tâm sự, từ nhỏ đã được nghe ông bà, người lớn tuổi hát những làn điệu dân ca Thái, hay đến mê mẩn. Những làn điệu ấy cứ thế ngấm vào huyết quản ông tự lúc nào. Hát rồi sáng tác lời mới để mọi người cùng hát, thế là thành cây văn nghệ của bản. “Có bạn là mình vừa đàn vừa hát ngày đêm. Lúc thì đàn tập tinh, lúc thì xo lo... Lúc lại hát đồng giao cho các bạn chơi trò chơi dân gian”, nghệ nhân Nghiệp vui kể chuyện xưa.
Cây văn nghệ của bản được đi học Trung cấp Sư phạm miền núi. Hành trang mang theo của ông là cây đàn tập tinh trong suốt những năm học. Năm 1975, thầy giáo tương lai Lương Văn Nghiệp xung phong lên đường nhập ngũ. Cây đàn tập tinh lại theo ông đi khắp các thao trường Quân khu IV. Ông lại nổi danh với những bản dân ca Thái. “Cây văn nghệ” của đơn vị lại được đồng đội phong cho ông.
Năm 1980, ông Nghiệp rời quân ngũ, về địa phương lại tiếp tục tái “ươm mầm” văn nghệ cho bản Cằng. Cứ hễ có hội diễn ở xã, thậm chí ở huyện là đội văn nghệ bản Cằng của ông lại giành giải cao.
“Hội cầu mùa”, “Hội cầu may”, “Hội cầu mưa”... là những làn điệu cổ không mấy ai còn biết nữa. Ông Nghiệp rảo bước khắp các bản, các xã, gặp những người cao tuổi để tìm hiểu và sưu tầm. Người này một đoạn, người kia vài lời... thế mà nhiều làn điệu tưởng như thất truyền đã được ông phục dựng. Ông Nghiệp tâm đắc nhất là bài đồng dao “Ông trăng”. Đây là bài đồng dao phục vụ các trò chơi dân gian của trẻ nhỏ. Lâu lắm rồi, bọn trẻ không chơi các trò đuổi bắt, chơi ô ăn quan, đánh thẻ... nữa nên bài đồng dao cũng rơi vào quên lãng. Chính ông cũng không còn nhớ hết lời nên phải vừa sưu tầm, vừa sáng tác mới để hoàn chỉnh bài đồng dao. Vừa kéo xo lo, nghệ nhân Lương Văn Nghiệp vừa lim dim đôi mắt:
“Ông trăng ơi trăng vàng
Hai nàng sao đâm lúa
Đâm lúa rồi khâu luống giồng giồng
Chiêng cồng bên cầu thang/Nghe nàng khắp đắm say”...
Tôi ngạc nhiên với các nhạc cụ có phần thô sơ mà âm thanh thì trầm bổng, réo rắt... Ông Nghiệp cười hồn hậu, giải thích: Đây là cây xo lo, thân được làm từ cây nứa già, mọc ở lưng chừng núi. Đàn này có 3 dây, được kéo bởi cần đàn cũng làm bằng tre. Còn kia là đàn tập tinh, một nhạc cụ quen thuộc của người Thái ở Môn Sơn. Kéo thêm vài nhịp xo lo, ông trầm giọng: Trước các cụ dạy tôi làm đàn. Nay tôi lại dạy cho các cháu nó làm, phải khuyến khích chúng nó, kẻo quên nguồn cội.
Trao truyền...
Buông cây đàn xo lo, người nghệ nhân già chùng giọng: Tôi lo văn hóa của dân tộc mình bị mai một, lãng quên, vì bọn trẻ bây giờ phần nhiều thích những dòng nhạc sôi động, không còn mặn mà với dân ca Thái. Sốt ruột quá, tôi xin thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nghệ thuật dân ca Thái, thành viên gồm nhiều độ tuổi, trong đó hiện có 15 cháu từ 8 đến 12 tuổi tham gia. CLB sinh hoạt rất sôi nổi. Ông Nghiệp nhẩm tính, tháng này CLB sẽ tập bài “Cây đàn tập tinh”, một sáng tác mới của ông. Không ngần ngại, ông vào nhịp ngay: “Cây đàn tập tinh có từ bao đời, chọn từ cây nứa trên lưng đồi, cây nứa bên suối ngàn...”.
Hát xong bài “Cây đàn tập tinh”, ông Nghiệp linh hoạt hẳn lên. Ông cho biết, vừa sưu tầm được điệu khắp và điệu lăm mới, sau khi phổ biến trong CLB, ông sẽ đề nghị dạy cho các cháu học sinh của hai Trường THCS và Tiểu học Môn Sơn. Ông chia sẻ: Muốn thu hút các cháu thì thỉnh thoảng phải có sáng tác mới, lời ca phải mang hơi thở, sức sống mới thì nó mới ưng cái bụng. “Cứ ở đâu mời dạy, nhờ dàn dựng chương trình văn nghệ là tôi có mặt ngay. Và ở đâu tôi cũng cố gắng thuyết phục đưa các cháu cùng tham gia. Không phải vì tiền đâu, họ trả tiền hay không cũng chẳng sao, miễn là đưa được dân ca Thái đến với bà con”, ông Nghiệp cho biết.
Cũng theo Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp, phần dạy hát, múa còn đỡ, chứ dạy làm nhạc cụ thì vô cùng gian nan. Ông cho biết, đã mở hai lớp dạy làm nhạc cụ nhưng cho đến nay vẫn chưa ai thành công. Vân vê cây đàn xo lo, ông Nghiệp tỏ ra lo lắng: “Tôi đã già rồi, đã bảy mươi tuổi rồi mà chưa tìm ra ai thay mình làm nhạc cụ. Dân ca Thái phải có nhạc cụ của người Thái, phải là đàn tập tinh, xo lo... hòa trộn với tiếng trống, tiếng chiêng mới ra âm thanh của núi rừng. Tôi tin, sẽ có cháu làm được nhạc cụ, còn hay hơn, đẹp hơn tôi. Tuổi trẻ bây giờ giỏi giang lắm”.
Chia tay Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp, tôi nói ông là báu vật của người Thái ở Môn Sơn. Ông đáp, tôi chỉ là người gìn giữ và trao truyền báu vật của cha ông...